CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Công tác đào tạo nghề của huyện Chư Sê giai đoạn 2011-2015

Công tác đào tạo nghề của huyện Chư Sê giai đoạn 2011-2015

04/07/2016

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 14/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, sau 05 năm thực hiện công tác dạy nghề trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả  quan trọng, nhiều chủ trương, chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân, cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã được  triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các loại hình đào tạo nghề tương đối đa dạng; một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn được thí điểm thành công, tạo cơ sở để tiếp tục triển khai nhân rộng trong thời gian tới; các hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề được huyện quan tâm. Kết quả công tác đào tạo nghề : đào tạo sơ cấp nghề: tuyển sinh: 720 học viên, tốt nghiệp: 546 học viên (tỷ lệ tốt nghiệp đạt 75,83%);  đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng chính phủ: tuyển sinh: 1.872 học viên, tốt nghiệp: 1.748 học viên (tỷ lệ tốt nghiệp đạt 93,37%), trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp: 793 học viên, đào tạo nghề nông nghiệp: 955 học viên. Các ngành nghề được đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, như nghề trồng nấm, trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, trồng hồ tiêu, cà phê, lắp đặt sửa chữa điện sinh hoạt, cắt may cơ bản, sửa chữa máy cày công suất nhỏ.... Trong quá trình tuyển sinh và đào tạo, công tác phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh để giới thiệu người lao động sau khi học nghề cũng được triển khai. Trong thời gian qua đã cung cấp cho Công ty may Cửu Tôn, quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh 150 công nhân, Công ty may Nhà Bè Gia Lai 25 công nhân....

Ngoài công tác đào tạo nghề, công tác hướng nghiệp cũng được các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở quan tâm, chú trọng. Từ 2011- 2015, các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã hướng nghiệp cho toàn bộ học sinh khối lớp 9 với 7.939 học sinh theo đúng chương trình, nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đối với các trường Trung học phổ thông, ngoài việc chú trọng đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh theo quy định, nhà trường còn tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện còn một số hạn chế, tồn tại: chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, dạy nghề cho lực lượng lao động nông thôn, nhất là tại các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa chủ động triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nông thôn  nhận thức chưa đúng về việc đào tạo nghề và học nghề. Hầu hết thành viên Ban chỉ đạo về công tác đào tạo nghề của huyện là kiêm nhiệm nên chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu học tập gắn liền với thực hành cho học viên. Công tác tuyển sinh và đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Việc tư vấn và giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp còn hạn chế.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 14/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dạy nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đào tạo nghề, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn.
Thứ hai, huy động các nguồn lực đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa, khuyến khích phát triển cơ sở dạy nghề trong các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình xây dựng giáo trình, chương trình, quá trình giảng dạy, tiếp nhận học viên học nghề thực tập, tham gia đánh giá kết quả học tập; huy động tiềm năng về thiết bị và cán bộ kỹ thuật của các cơ sơ sản xuất phục vụ dạy nghề. Khuyến khích phát triển hình thức truyền nghề cho người lao động nhằm duy trì nghề truyền thống và phục vụ sản xuất tại chỗ.
Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình, tài liệu học tập và phương pháp đào tạo nghề theo hướng tiếp cận sản xuất, phù hợp với đối tượng học, chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành. Có chính sách ưu đãi để tuyển dụng, thu hút đội ngũ cán bộ có chuyên môn kỹ thuật cao làm giáo viên dạy nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề đào tạo.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác dự báo và xác định nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của thị trường lao động trong huyện, trong tỉnh, trong nước và phục vụ xuất khẩu lao động, trên cơ sở đó xác định danh mục nghề đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề của từng địa phương, cơ sở đào tạo cho phù hợp. Chú trọng hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông để định hướng cho học sinh về học nghề, lập nghiệp và chủ động lựa chọn hình thức học nghề phù hợp.
Thứ năm, huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho dạy nghề.
Thứ sáu, phát huy tính tích cực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn  thể và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác dạy nghề trên địa bàn huyện.
                                                                   Ban biên tập

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang