CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO XÃ CHƯ PƠNG

KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO XÃ CHƯ PƠNG

26/02/2018

Xã Chư Pơng thành lập năm 2005 tại Quyết định số 17/QĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính, xã Chư  Pơng, huyện Chư Sê được thành lập trên cơ sở 07 làng và 07 tổ tự quản tách ra từ xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, với diện tích 3.940 ha, với 2.872 khẩu, hơn 700 hộ (trong đó 75% người dân tộc thiểu số) kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người được quy đổi 380 kg lúa/năm, là vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Đến cuối năm 2017, xã có 4.080 khẩu, với 1.022 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,2 triệu đồng/người/năm.

Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, quản lý điều hành của UBND xã, sự phối hợp của các ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã công tác giảm nghèo của xã đạt được những kết quả tích cực.
Lãnh đạo, các ban ngành của xã luôn cố gắng phấn đấu giảm hộ nghèo, tạo cơ hội cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc giảm nghèo được cụ thể hoá bằng các hành động cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho vay vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân. Công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của xã nhưng kết quả vẫn chưa thực sự cao, bởi ý thức của người dân về công tác giảm nghèo vẫn còn hạn chế. Người dân, nhất là các hộ thuộc diện nghèo thường ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên trong phát triển kinh tế cải thiện đời sống, xã có trên 75% là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn mang nặng tập quán truyền thống; chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi cây trồng ở một số cánh đồng thường xuyên nắng hạn.
Do vậy, những năm gần đây, xã đã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó là việc tích cực chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đảng bộ, chính quyền xã Chư pơng đã chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các biện pháp thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên của xã và khuyến khích người dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển sản xuất.
Cuối năm 2016, toàn xã có 179 hộ nghèo chiếm 17,69%; 161 hộ cận nghèo chiếm 15,91%. Trong năm đã tiếp nhận và cấp 20.610 kg gạo, 16.220 kg muối Iốt cho hộ dân tộc thiểu số, làng khó khăn, hộ kinh nghèo và hỗ trợ nắng hạn; cấp 2.849 thẻ bảo hiểm y tế và 290 giấy chứng nhận hộ nghèo. Năm 2017 tiếp nhận và cấp 13.035 kg gạo, 3.353,92 kg phân NPK 16-16-8-13S (BĐ) cho các hộ đăng ký thoát nghèo theo chương trình cấp không thu tiền và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; hỗ trợ 107 con bò; 64 con dê.
Trong những năm qua, xã đã tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ và xây, sửa 06 nhà tình nghĩa, 12 nhà đại đoàn kết, 88 nhà 167, 122 nhà 134 và 89 nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo. Đến cuối năm 2017, xã có 4.080 khẩu với 1.022 hộ, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2017 còn 6,85% (70 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt 31,2 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên.
Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, Cần có những chính sách phù hợp với từng đối tượng; cần tách những người thuộc diện mất sức lao động để có cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không đưa vào diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Hai là, Đối với số hộ đồng bào dân tộc thiểu số là do họ còn tập quán sản xuất tự phát, quảng canh, ít được chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào canh tác, vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo. Có hộ có đất nhưng lại không biết làm ăn nên bán đất đi làm thuê. Do đó, cần tích cực tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả phong trào thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số; cần phải thay đổi cách thức hỗ trợ, chuyển từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ con giống, cách làm ăn phù hợp.  
Ba là, Đối với những hộ nghèo lười lao động, trông chờ, ỷ lại thì cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, đồng thời có cơ chế ràng buộc trong quá trình thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thoát nghèo. 
Nguyễn Công Thuần

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang