CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC HUYỆN CHƯ SÊ GIAI ĐOẠN 2011-2016

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC HUYỆN CHƯ SÊ GIAI ĐOẠN 2011-2016

12/06/2017

Chư Sê là một huyện ở phía Nam tỉnh Gia Lai, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Huyện có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá, phong tục, tập quán riêng; tuy nhiên luôn hoà hợp, đoàn kết trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện nhà nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Huyện có 01 thị trấn và 14 xã  với  183 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 123 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.  Dân số của huyện có 26.643 hộ, 116. 967 nhân khẩu; trong đó dân tộc thiểu số là 11.408 hộ, 51.859 nhân khẩu.  
Trong những năm qua, được sự đầu tư, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh; huyện Chư Sê đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 102, 134, 135, 755…  đồng thời có sự lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, xã. Các chương trình, dự án triển khai đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng cao và cải thiện rõ rệt. Chương trình 135 đã hỗ trợ 5,1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó huyện đã tiến hành hỗ trợ trực tiếp muối Iốt, định mức 5kg/khẩu/năm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định số 18 của thủ tướng chính phủ  ngày càng được quan tâm. Tổ chức thăm hỏi thường xuyên người có uy tín vào các dịp lễ tết cho 123 người có uy tín.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đã đào tạo được 1.709 lao động nông thôn với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng. Các ngành được đào tạo gồm: Điện dân dụng, trồng chăm sóc khai thác cao su, trồng chăm sóc cà phê, tiêu; sửa chữa máy nông nghiệp, nghề xây dựng..... Đa số lao động sau khi học nghề đã nắm bắt được kiến thức, kỹ năng cơ bản, áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần tăng thu nhập. Nhờ học nghề nhiều lao động tìm được cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp như Công ty cao su Chư Sê, Công ty cao su Mang Yang, cơ sở dệt may tại thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho gia đình và cho xã hội
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, các chính sách hỗ trợ y tế đã được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; hệ thống y tế được củng cố và hoàn thiện từ huyện đến cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, mở ra cơ hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 195.807 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; kinh phí ước thực hiện 1,1 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ trong giáo dục đào tạo ngày càng được quan tâm  chú  trọng. Để tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện hơn trong học tập, các chương trình miễn giảm học phí, cấp sách vở và đồ dùng học tập, hỗ trợ tiền học bán trú cho trẻ em vùng II, III cũng được thực hiện có hiệu quả.
Các chương trình, chính sách được đầu tư đã đem lại một nguồn lực to lớn giúp huyện Chư Sê thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể; nếu đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 29,14 % tương đương 6.806 hộ, thì đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện 15,79% (giảm 13,35%) tương đương 4.246 hộ; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 3.923 hộ (theo Điều tra đa chiều).
Qua thực hiện các dự án, sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế có hiệu quả, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm, quan tâm tới hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Từ thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, sản xuất giỏi. Đồng bào đã tích cực tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm thâm canh, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Kinh tế trang trại phát triển gắn trồng và bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp, với chăn nuôi... Qua đó xuất hiện nhiều hộ gia đình điển hình, tiêu biểu, sản xuất giỏi tại các thôn, bản như hộ gia đình ông ChoLo xã Barmaih, hộ ông Pur xã IaHLốp, hộ ông Siu Đắc xã  Kông Htok.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được đồng bào tích cực hưởng ứng, tham gia đóng  góp nhiều ngày công lao động, hiến đất làm đường liên thôn, bản, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đến năm 2016, Chư Sê đã có 06/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng năm 2016 có 03 xã được công nhận.
Hoạt động văn hóa được chú trọng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bưu điện văn hóa xã, các trạm truyền thanh, nhà văn hóa các xã, điểm vui chơi văn nghệ, thể thao, thư viện hóa đã được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, bản, khu phố văn hóa, được duy trì và phát triển, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi. Nhân dân ngày càng tích cực hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được chú trọng; Thực hiện tốt việc phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Trên cơ sở đó, đã tổ chức phục dựng được nhiều lễ hội truyền thống như: Hội Xuân; Lễ hội đâm Trâu, Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ Ăn cơm, Lễ Bỏ Mã, Lễ Mừng Lúa mới…

Một bức tranh về Hội Xuân

Công tác quy hoạch, đào tạo, cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ cơ sở được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Đồng bào các dân tộc đã tích cực phối hợp cùng các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên địa bàn; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái pháp luật.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, huyện Chư Sê sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới.

- Có chính sách ưu đãi với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, bản có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước trên địa bàn.

- Bảo đảm các loại vốn đầu tư đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

- Làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước.

Với mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; trong thời gian tới huyện Chư Sê sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện tại vùng dân tộc và miền núi.
Đỗ Thị Loan
Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang