CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Rượu Cần– Nét văn hóa ẩm thực của người dân tộc bản địa ở Chư Sê

Rượu Cần– Nét văn hóa ẩm thực của người dân tộc bản địa ở Chư Sê

08/01/2019

Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, người đồng bào dân tộc thiểu số thường ăn Lễ, tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương. Tuy nhiên ngày Tết Nguyên đán của người Việt được đồng bào các dân tộc coi là các tết chung của đại gia đình Việt Nam; và như thế, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng như ở Chư Sê có hai cái Tết, hai niềm vui đón xuân. Những Ghè rượu cần đã bao lần chứng kiến lễ tục, lễ tết của cộng đồng, từ lễ mừng chiến thắng, mừng được mùa, mừng nhà mới đến các đám cưới, đám tang, lễ hội, tết... 
Các món ăn, thức uống truyền thống trong dịp lễ, tết của đồng bào thường là cơm lam, thịt nướng và rượu cần; trong đó Rượu cần là nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu. Rượu cần giữ vai trò là lễ vật khi kính dâng lên các Thần linh, giao tiếp với các đấng siêu linh. Với bạn bè, là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, hẹn hò, nhắn nhủ công việc, giao kết tình duyên đôi lứa… Trưóc khi thực hiện giao lưu tình cảm, rượu cần còn làm nghĩa vụ: thông báo, dâng mời, cầu xin các Thần linh chứng giám hoặc ban phước. Dù sử dụng trong thời gian nào, không gian nào, tục uống rượu cần cũng vẫn là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc.
Chính vì sự thiêng liêng đó, nên rượu cần được làm khá công phu. Nguyên liệu, cách làm rượu cần vốn là công thức bí truyền của người đồng bào. Là một loại thức uống, nhưng mỗi dân tộc có một công thức khác nhau làm nên hương vị riêng biệt cho rượu, tùy thuộc vào loại thảo mộc tạo men rượu và những nguyên liệu: gạo nương, có thể thêm khoai mì, bắp, hạt cào – một loại cỏ ở Tây Nguyên, bo bo, kê… nhưng chủ yếu vẫn là gạo tẻ. Phương pháp làm rượu cũng khá đơn giản. Gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng đem phơi. Trước đây men rượu được người dân tộc chế từ vỏ cây lấy trong rừng, trộn với bột ớt, bột gừng, giềng, bột gạo, một số thứ lá và rễ cây khác, trộn với nước và cắt thành từng bánh nhỏ phơi khô, để 10 đến 15 ngày giã nhỏ rắc lên nia cơm, ngày nay, người dân thường dùng men mua sẵn ngoài chợ, trộn thêm 1 lần trấu đổ vào ché rồi ủ từ 1 đến 2 ngày, lấy lá chuối khô ủ kín. Sau 1 tháng đem dùng, khi uống lót lá chuối hoặc lá xoài tươi ở trên, đổ nước đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ché, uống cạn tới đâu chế thêm nước tới đó.
Để có được ché rượu, phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp xử dụng… để ghè rượu đạt chất lượng cao nhất.Gia đình Tây nguyên nào cũng biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ lại là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong mỗi nhà. Do đó rượu được tạo ra bởi những hương vị khác nhau theo sở thích của từng gia đình.
Uống rượu cần là một nét văn hóa đặc sắc lại có cái hay đặc trưng của nó. Uống rượu, không phải uống sao cũng được, đây là cả một nghi thức linh thiêng. Vào dịp năm mới, chủ nhà thay mặt cả gia đình chúc khách sức khỏe, sống lâu và gặp nhiều may mắn. Trước khi vào cuộc, chủ nhà hay chủ lễ đọc lời khấn xin phép Giàng để mọi người được uống rượu. Già làng hoặc chủ lễ uống đầu tiên, sau đó đến những người tham dự theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, từ nam đến nữ. Chủ nhà là người uống trước để chứng tỏ thiện ý ché rượu là tốt, không có độc. Sau khi uống ngụm đầu tiên, chủ nhà sẽ đưa cần mời khách, thể hiện lòng mến khách của gia chủ. Khách đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm ở thân cần, sát miệng ché, nhẹ nhàng vuốt dọc lên rồi uống. Trong thời gian uống, người uống có thể hút từng ngụm nhỏ, môi rời khỏi đầu ống để trò chuyện hoặc hát nhưng không được rời tay khỏi cần rượu cho đến khi nào uống xong phần rượu của mình. Cứ như thế trong suốt cuộc rượu, chiếc cần chỉ được phép chuyển từ tay người này sang tay người khác mà không được để rời ra. Trong lễ tết, những ché rượu Cần được sắp thành những hàng dọc dài hoặc xen kẽ với những gói lá đựng thức ăn để mọi người có thể ngồi đối mặt với nhau, vừa ăn, vừa uống rượu và trò chuyện.

Ché Rượu cần trong ngày Lễ hội Đâm trâu của đồng bào
Trong các ngày lễ, tết, bên ché rượu cần còn có cơm lam và thịt nướng. Cơm lam được sử dụng phổ biến và được coi là món ăn truyền thống thay thế các loại bánh trong ngày lễ tết, và được ví như bánh chưng, bánh tét của người Kinh. Đi cùng với cơm lam là thịt nướng, có hai loại thịt phổ biến mà đồng bào thường dùng để nướng là thịt gà và thịt heo. Thịt có thể được thái nhỏ gói trong lá chuối rồi vùi vào tro nóng hoặc cho vào ống nứa với muối, ớt rồi nướng như cơm lam.
Rượu cần là thứ không thể thiếu trong hầu hết các hình thức sinh hoạt văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư Sê. Lễ hội càng lớn, rượu cần càng nhiều trên cơ sở đóng góp của các thành viên trong làng. Rượu cần càng nhiều thì lễ càng trang trọng và hội càng vui. Hiện nay, rượu cần không chỉ là thức uống dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số mà đã được nhiều người ưa chuộng, được người dân mang làm quà biếu hoặc đem xuống các miền khác bán cho du khách gần xa, như một cách giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa.
                                  Lê Loan
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang