CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin Khối Đảng - HĐND > 78 năm quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Dấu mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam

78 năm quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Dấu mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam

30/08/2023

     Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào ở Thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với Nhân dân Việt Nam và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giây phút đó đã trở thành dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Kể từ đó trở đi, ngày 02/9 trở thành ngày Quốc khánh của nước ta. 78 năm đã trôi qua, trải qua nhiều thăng trầm, chúng ta lại càng thấy được tầm quan trọng và giá trị to lớn về sự kiện lịch sử không thể nào quên của đất nước.


78 năm quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Dấu mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam

       Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào ở Thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với Nhân dân Việt Nam và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giây phút đó đã trở thành dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Kể từ đó trở đi, ngày 02/9 trở thành ngày Quốc khánh của nước ta. 78 năm đã trôi qua, trải qua nhiều thăng trầm, chúng ta lại càng thấy được tầm quan trọng và giá trị to lớn về sự kiện lịch sử không thể nào quên của đất nước.
 
 
Ảnh minh họa
     Sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của phong trào giải phóng dân tộc lâu dài, gian khổ kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (năm 1858), triều đình phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng và bất lực, chịu thất bại rồi đi đến đầu hàng (ký Hiệp ước Giáp Thân năm 1884), chấp nhận làm tay sai cho giặc, kể từ đó Nhân dân ta sống trong cảnh nước mất nhà tan. Tuy nhiên, sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân pháp và bọn phong kiến tay sai đã không thể nào tiêu diệt được tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình của Nhân dân ta, lớp lớp những người con yêu nước vẫn đứng lên đấu tranh anh dũng, tiêu biểu phải kể đến các phòng trào như: Phong trào Cần Vương (cuối thế kỉ 19), khởi nghĩa nông dân (cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20), phong trào dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản (đầu thế kỉ 20)... các phong trào đều thất bại và bị đàn áp, dìm trong biển máu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Không dừng lại, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam ngày càng cháy bỏng và chỉ trở thành hiện thực khi Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sau nhiều năm bôn ba đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó chính là: Con đường cách mạng vô sản theo Chủ nghĩa Mác - Lênin do Đảng Cộng sản là chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo.
 Trải qua một quá trình tích cực vận động, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Từ đó Đảng đã tập hợp và lãnh đạo Nhân dân ta đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn, bắt đầu là cao trào cách mạng (1930 - 1931), tiếp đến là cuộc vận động dân chủ (1936 - 1939) và cuộc vận động trực tiếp giành chính quyền (1939 - 1945). Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất đoàn kết hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.
Thời cơ “ngàn năm có một” đã đến cho cách mạng Việt Nam, tháng 8 năm 1945 khi phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, quân đội và chính quyền tay sai rơi vào trạng thái hoang mang, tê liệt, Trung ương Đảng đã kịp thời hạ quyết tâm phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước, với tinh thần dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập. Nghe theo hiệu lệnh, cả dân tộc vùng lên như “bão táp”. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền cả nước thực sự thuộc về tay Nhân dân.
Cả nước hân hoan chào đón sự kiện ngày 02/9/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh  đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thành quả cách mạng hoàn toàn xứng đáng, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập” [1] . 78 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy nhưng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, vẫn vang vọng trầm hùng và lan tỏa khắp mọi miền đất nước, thấm vào lòng hàng triệu con tim người dân Việt Nam. Đó là lời của núi sông, Tổ quốc thấm vào hồn dân tộc, gìn giữ những giá trị chủ quyền thiêng liêng của ngàn đời cha ông dựng nước và giữ nước. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nhân tố nền tảng bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do mà Nhân dân ta hằng khát khao. Từ đây, một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc mở ra: Kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, ngay sau khi thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ bản chất chuyên chính vô sản, là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Không lâu sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (ngày 6/01/1946) và Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm củng cố chính quyền dân chủ Nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, tạo cơ sở pháp lí vững chắc để đập tan những luận điệu xuyên tạc và hành động của các thế lực thù địch đang nuôi dưỡng mưu đồ đặt lại ách đô hộ lên đất nước ta.
Từ khi có Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân ta đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang đó là đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975); bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979; thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt… điều đó thể hiện khát vọng và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong Tuyên Ngôn độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [2] .
Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 không chỉ có ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa hết sức to lớn đối với các nước đang bị áp bức trên thế giới, tiếp thêm động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã rút ra một bài học sâu sắc từ cách mạng Việt Nam: Một dân tộc nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, có đường lối đấu tranh đúng, biết tạo thời cơ, chớp thời cơ khởi nghĩa thì hoàn toàn có thể đứng lên tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, xây dựng chế độ mới, xóa bỏ mọi áp bức, bất công.
Tiếp tục phát huy bản chất và những giá trị to lớn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhất là trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đảng ta chủ trương đổi mới tư duy, thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Những thành tựu của đất nước đạt được trong thời gian qua đã nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Biểu hiện sự kết tinh và tỏa sáng truyền thống về sức mạnh Việt Nam được hội tụ trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, truyền thống văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam trong thời đại mới. Đặc biệt, khi cục diện trên thế giới đang có nhiều thay đổi, có nhiều thuận lợi và có cả khó khăn, phức tạp, đan xen chúng ta vẫn đang giải quyết nhiều vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh, tranh chấp biển đảo, sự chống phá của những thế lực thù địch đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Trước tình hình mới, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vẫn vững vàng, kiên định trước thử thách khắc nghiệt. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết phấn đấu, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - an ninh - quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của quốc gia.
  78 năm qua, tinh thần của ngày 02 tháng 9 năm 1945 vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử, bản chất cách mạng tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn không hề thay đổi trước phong ba bão táp, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam điều hành toàn dân tộc giành được nhiều chiến công vẻ vang hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới./.
                                                                                   Ban Tuyên giáo HU (TH)

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang