CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > CHƯ SÊ 40 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

CHƯ SÊ 40 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

20/08/2021

       Nguyễn Hồng Hà
                                                      TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
       
      Huyện Chư Sê là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được thành lập ngày 17/8/1981 theo Quyết định số 34-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở tách 05 xã của huyện Mang Yang, 07 xã của huyện Chư Prông, diện tích tự nhiên 125.960 ha, dân số khoảng 54.412 người, mật độ dân số bình quân 44 người/km2. Khi mới thành lập, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng 15.481 ha. Toàn huyện có 04 hợp tác xã và 74 tập đoàn sản xuất, nhưng hoạt động hình thức, lúng túng, không có phương án và bước đi cụ thể. Hệ thống thủy lợi lạc hậu, chỉ có 02 công trình thủy lợi Bờ Ngoong và Ia Glai, còn lại là các kênh mương nhỏ do nhân dân tự làm thủ công theo thế suối, thế đồi để chặn dòng, khơi mương dẫn nước. Hệ thống giao thông từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn, làng còn cách trở, đường bê tông nhựa chủ yếu là tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 25, còn lại là đường đất và các đường mòn xuyên rừng đã có từ thời chiến tranh nay mở rộng hơn nhưng về mùa mưa đi lại rất khó khăn và chủ yếu dùng cho người đi bộ, đi xe đạp. Giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, toàn ngành có 14 trường phổ thông cơ sở với tổng số 5.699 học sinh, cơ sở vật chất trường học chủ yếu là phòng học cấp 4 đã xuống cấp, nhiều trường phải học 2 ca, 3 ca và chưa có trường cấp III riêng. Lĩnh vực y tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân, toàn huyện có 01 bệnh viện, 11 trạm y tế xã, 35 giường bệnh và chỉ có 03 bác sĩ. Hằng năm vẫn thường xảy ra các dịch bệnh như: dịch hạch, tả, sốt rét ... làm nhiều người chết. Chưa có mạng lưới điện và hệ thống Đài truyền thanh. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh Chư Sê vẫn là một huyện trọng điểm về FULRO và các loại phản động khác thường xuyên hoạt động. Tình hình trật tự, an toàn xã hội còn phức tạp như trộm cắp, cướp giật do các đối tượng hình sự từ các địa phương khác tới Chư Sê để trốn tránh và gây án; đi kèm với dân kinh tế mới đến huyện theo kế hoạch di dân tự do ngày càng nhiều, tạo nên sức ép lớn về đất ở, đất sản xuất, về giáo dục, y tế... Về công tác tổ chức, sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất, toàn huyện có 1/3 số xã yếu kém, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể hoạt động yếu.
     Có thể thấy rằng, từ những năm đầu mới thành lập, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức, là một huyện thuần nông, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm 63,5%) và đồng bào kinh tế mới, đời sống của nhân dân hết sức khó khăn, nạn đói giáp hạt thường xảy ra trên diện rộng. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu thốn; mặt bằng dân trí thấp, hậu quả của chiến tranh để lại còn nặng nề, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bọn phản động FULRO thường xuyên quấy phá, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đội ngũ cán bộ huyện và xã năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý còn nhiều yếu kém, nhất là quản lý kinh tế - xã hội.
     Căn cứ Nghị quyết số 43/NQ/CP, ngày 27/8/2009 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc huyện Chư Sê; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chư Sê để thành lập huyện Chư Pưh thuộc tỉnh Gia Lai. Sau khi điều chỉnh, huyện Chư Sê, có diện tích tự nhiên là 64.103,51 ha, chiếm 4,14% diện tích tự nhiên của tỉnh, với 15 đơn vị hành chính gồm 14 xã và 01 thị trấn, dân số của huyện Chư Sê có trên 124.476 người, với 17 dân tộc anh em cùng hội tụ về đây sinh sống, lập nghiệp. Trải qua chặng đường 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Chư Sê đã vươn lên lớn mạnh về mọi mặt, đời sống kinh tế, văn hóa, vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Tình hình an chính chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững và ổn định.


Chư Sê đổi thay từng ngày
     Xác định nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong 40 năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Chư Sê đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, từ một nền kinh tế khép kín, tự cung, tự cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, giai đoạn 1981-1990 chỉ đạt 4,6%/năm, nhưng đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,08%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,7 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, đến nay công nghiệp - xây dựng chiếm 34,48%, thương mại - dịch vụ chiếm 31,67%.
     Sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển dịch mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Huyện đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 18/7/2019 của Huyện ủy, bước đầu đã hình thành được một vùng sản xuất theo định hướng đến năm 2025, trong đó đã phát triển được hơn 700 ha cây dược liệu các loại. Chăn nuôi, thủy sản chuyển dịch mạnh từ phương thức tận dụng sang hướng công nghiệp, trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học. Về phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản, đến nay Nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê” đã đăng ký bảo hộ ra nước ngoài và 05 sản phẩm Tiêu đen hạt, Hạt sachi Inchi, Dầu sachi Nguyên chất, Tiêu trắng An Thắng, Hạt mac ca Đất Việt đủ tiêu chuẩn 03 sao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đánh giá, xếp loại theo quy định.
     Công nghiệp - xây dựng phát triển đột phá, có 19 dự án điện năng lượng tái tạo được tỉnh cho phép triển khai trên địa bàn huyện; Cụm công nghiệp tập trung huyện đang được triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, ngoài ra dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku đầu tư giai đoạn đầu (năm 2020 - 2021) đưa vào khai thác, tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút các doanh nghiệp. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đô thị đến năm 2020 được tập trung thực hiện theo Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 27/5/2016 của Huyện ủy. Các tiêu chí của đô thị loại IV cơ bản đã được hoàn thiện và nâng cao. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 đạt 917 tỷ đồng. Các lĩnh vực, công trình được tập trung đầu tư là hệ thống giao thông, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo, y tế, chỉnh trang đô thị, điện, nước, công viên, cây xanh, văn hóa và thể dục thể thao…
 

Siêu thị Co.opmart Chư Sê
     Thương mại, dịch vụ phát triển tích cực, siêu thị Co.op Mart đã xây dựng trên địa bàn giữ vai trò quan trọng trong thương mại, tổng số có 1.165 cơ sở lớn nhỏ đang hoạt động có hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, toàn huyện có 08 chợ (03 chợ huyện, 05 chợ xã), 03 siêu thị. Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng phục vụ, trên địa bàn huyện có 07 nhà hàng, khách sạn lớn doanh thu bình quân gần 50 tỷ đồng/năm.
 

Thác Phú Cường - Chư Sê.  Ảnh: H.D
     Ngành du lịch từng bước hình thành và phát triển, điểm du lịch sinh thái thác Phú Cường đang được đầu tư và khai thác, xây dựng tuyến du lịch thác Phú Cường - Hồ Ayun Hạ - Di tích Vua Lửa. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh với hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động. Hoạt động ngân hàng phát triển đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của nhân dân, trước năm 1991, tổng dư nợ toàn huyện đạt 500 triệu đồng, hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 ngân hàng hoạt động có hiệu quả. Năm 2020, tổng số dư nợ trên địa bàn đạt 1.600 tỷ đồng, số huy động tiền gửi tại địa phương đạt 640 tỷ đồng.
     Phát triển hiệu quả các thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất của huyện như: Cao su, điện lực, viễn thông, xăng dầu, thương mại, nước sạch. Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế chủ yếu của huyện, đến nay có hơn 100 doanh nghiệp và 1.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả.
      Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 13/01/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển các vùng kinh tế động lực giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020, huyện đã chủ động đầu tư từ các nguồn lực được phân cấp và thực hiện các giải pháp hiệu quả trong việc khai thác quỹ đất, tạo được nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng phát triển giao thông và mở rộng đô thị; được sự hỗ trợ của tỉnh, đã kêu gọi thu hút đầu tư Siêu thị Co.op Mart, Nhà máy nước, đường tránh Đông; tuyến đường liên huyện Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Đăk Đoa; khu công nghiệp Nam Pleiku, các dự án năng lượng tái tạo… Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án để hỗ trợ phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay hệ thống hạ tầng, diện mạo nông thôn của huyện đã có sự đổi thay đáng kể; 100% số xã trong huyện đã có mạng lưới điện quốc gia; trên 85% dân số vùng nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh; 100% xã có mạng điện thoại; 100% xã có mạng lưới y tế hoạt động; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 95%; truyền hình đạt 90%; những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Huyện đã đầu tư hệ thống dẫn nước sạch từ thị trấn Chư Sê về đến 02 xã vùng III (Hbông và Ayun), chấm dứt tình trạng thiếu nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 02 vùng đặc biệt khó khăn này. Đầu tư và khai thác thủy lợi Plei Keo (xã Ayun) năng suất tưới 500 ha.
     Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bước đầu triển khai đạt kết quả quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, trong nhân dân. Từ năm 2011 đến năm 2020, toàn huyện đã huy động được trên 2.461 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 225 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 98 tỷ đồng, 296.000 ngày công lao động, nguyên vật liệu để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt động đồng ... và hiến góp 02 ha đất. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Diện mạo quê hương khởi sắc từng ngày, làng quê sáng, xanh, sạch đẹp và ngày càng văn minh hơn. Năm 2020, toàn huyện có 11/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14 làng nông thôn mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dự kiến đến hết năm 2021 có 12/14 xã đạt chuẩn, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành huyện nông thôn mới.
 

Bộ đội cùng dân xây dựng NTM.  Ảnh: BBT
     Hệ thống giáo dục của huyện phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 51 cơ sở giáo dục với hơn 28.000 học sinh, hầu hết các trường học đã được xây dựng kiên cố, cao tầng khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị dạy và học cần thiết; 29/51 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 56,9%. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Năm 2019, Trung tâm Y tế huyện đã được cải tạo, nâng cấp một số khoa, phòng với quy mô 130 giường bệnh, nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư, nhiều kỹ thuật mới được triển khai áp dụng nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. 100% Trạm y tế xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được đẩy mạnh; các công trình và thiết chế văn hóa được bảo tồn và phát triển; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện sâu rộng đến từng thôn, làng, tổ dân phố và đạt những kết quả đáng phấn khởi, đã xây dựng được 96,1% cơ quan, đơn vị văn hóa; 97,6% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; 88,1% gia đình được công nhận văn hóa và 78,5% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
      Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, công tác giảm nghèo, các vấn đề an sinh xã hội, chính sách dân tộc luôn được Đảng bộ huyện quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo liên tục giảm từ 80,5% năm 1981, năm 2020 giảm còn 2,76%. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững. Khi mới thành lập, Đảng bộ huyện Chư Sê mới có 21 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 473 đảng viên; Trải qua 10 kỳ đại hội đến nay Đảng bộ huyện có 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 4.580 đảng viên, 100% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức đảng và có cấp ủy. Bộ máy Đảng, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn từng bước được tăng cường và củng cố, đi vào hoạt động phục vụ mọi nhu cầu đời sống của nhân dân.
 

Huyện Chư Sê vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất.  Ảnh: A.S
     Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 40 năm qua, Nhân dân và Cán bộ huyện Chư Sê vinh dự và tự hào, được Chủ tịch Nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương lao động Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc năm 2005 và nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND tỉnh Gia Lai khen thưởng.
     Có thể khẳng định, những thành quả có được sau 40 năm xây dựng và phát triển, đó là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong đảng, không ngừng củng cố xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh, truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong huyện. Tuy nhiên, chặng đường phía trước có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Do đó, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Sê lần thứ X. Xây dựng huyện Chư Sê thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh Gia Lai và thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang