Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Nông nhiệp Chư Sê: thành quả từ những định hướng đúng.

Nông nhiệp Chư Sê: thành quả từ những định hướng đúng.

25/08/2021

 Với đặc thù là huyện thuần nông, trải qua 40 năm sau ngày thành lập, Chư Sê đã không ngừng phát triển về mọi mặt, trong đó ngành Nông nghiệp - ngành kinh tế nền tảng có đóng góp tích cực vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời là tiền đề vững chắc để thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện nhà phát triển trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam tỉnh.

     Từ những ngày đầu thành lập, cuộc sống của người dân Chư Sê dựa vào lúa rẫy, mì, bắp, đậu, khoai lang… thường xuyên mất mùa do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, nguồn nước phục vụ sản xuất còn hạn chế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa phát triển.Trải qua nhiều năm, cũng vùng đất ấy, con người ấy nhưng nông dân Chư Sê bây giờ đã đổi đời, điểm nhấn trong hành trình biến vùng đất Chư Sê hoang sơ thành nơi đáng sống như ngày nay là việc nông dân mạnh dạn đưa cây cà phê và hồ tiêu vào trồng. Song hành với bước khởi chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên là sự nhập cuộc hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương, từ đó năng suất cây trồng tăng lên, người dân Chư Sê thoát nghèo và có của ăn của để cũng nhờ cà phê, hồ tiêu.
     Gia đình ông Nguyễn Trọng Dũng, thôn Vinh Hà, xã Ia Blang là một trong những hộ có cuộc sống khá giả nhờ cây cà phê và hồ tiêu, ông chia sẻ: Từ năm 1976 vô lập nghiệp, nhờ các cấp lãnh đạo xã thay đổi cây trồng, gia đình quyết định trồng tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao, kèm theo 4 ha cà phê kinh doanh cũng đạt, nhờ đó gia đình có được nhà cửa khang trang, con cái học hành ổn định.
     Ngoài giá trị kinh tế của cà phê, hồ tiêu trong giai đoạn đầu. Đến giai đoạn 2001 - 2015 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế. Thành tựu nổi bật của giai đoạn này là Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án, nghị quyết chuyên đề cho phát triển nông nghiệp, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Đến nay, nông nghiệp huyện nhà cơ bản đã phát triển tương đối toàn diện. Người nông dân không chỉ làm ra sản lượng lương thực để phục vụ cho nhu cầu mà nhiều người còn biết làm giàu với nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình cánh đồng lúa liên kết; mô hình trồng xen sầu riêng trong các vườn cà phê tái canh; mô hình trồng dưa lưới, măng tây trong nhà màng; mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thường xuyên bị hạn… Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được hình thành, điển hình như: Chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao, sản phẩm nhãn Hương Chi, các sản phẩm từ cây mắc ca, trồng thâm canh cây sầu riêng …
 
 
 
Mô hình trồng rau thủy canh tại Chư Sê. (Ảnh: St) 
Gia đình ông Nguyễn Văn Quân, thôn Tốt Biớch, thị trấn Chư Sê là một trong những hộ chuyển đổi thành công mô hình trồng dâu nuôi tằm ứng dụng CNC, ông cho biết: gia đình anh nuôi một tháng ít nhất là 4 hộp tằm còn lại là 6 hộp, từ khi nuôi tằm kinh tế gia đình khá lên rất nhiều, trừ hết chi phí thì thu nhập một tháng cũng được 30 triệu.
Các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được đánh giá cao và dần khẳng định được thương hiệu, đến nay toàn huyện có 05 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận với tiêu chuẩn 3 sao. Sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận, đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể, ghi nhận sự bảo hộ cho Hồ tiêu Chư Sê. Thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” cũng đã được đăng ký bảo hộ tại 08 quốc gia gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Đức, Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Lucxembourg.
 

Sản phẩm hồ tiêu của Công ty TNHH một thành viên An
Thắng Gia Lai(xã Ia Blang) tại 1 sự kiện thương mại. (Ảnh: St)
 
     Kết quả này là cả quá trình đầu tư xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là tiến bộ về giống cây trồng. Các đập thủy lợi Ia Ring, Ia Glai, PleiKeo, gần 50 công trình đập tạm được xây dựng và hơn 52 km kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo nguồn nước tưới chủ động cho cây trồng, góp phần quan trọng trong chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ sang trồng hai vụ; nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp.
     Lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện có trên 81.500 con. Trong đó, đàn bò là 27.000 con, tập trung nhiều nhất tại các xã HBông, Ayun, BarMăih; đàn lợn là 46.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Blang, Ia H’Lốp, Thị trấn Chư Sê; cung ứng hơn 12 ngàn tấn thịt hơi đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân địa phương và một số thị trường lân cận. Huyện Chư Sê hiện nay cũng là một trong số những địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai được các doanh nghiệp quan tâm, chọn làm địa điểm đầu tư các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Hiện trên địa bàn huyện có 04 trang trại quy mô lớn đã đi vào hoạt động, 14 trang trại quy mô vừa, 57 trang trại quy mô nhỏ.
     Có thể nói thành tựu trên của ngành Nông nghiệp huyện Chư Sê đã khẳng định quan điểm chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, cùng với sự phối hợp tích cực, đầy trách nhiệm của các đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân.
     Để triển khai định hướng của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, trước hết là đẩy mạnh tái cơ cấu chuyển đổi ngành nông nghiệp, nhất là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp; bên cạnh duy trì diện tích các loại cây trồng chủ lực của huyện như cà phê, hồ tiêu, cao su thì phát triển mạnh các cây trồng hiện nay có tiềm năng lợi thế như dâu tằm, dược liệu, các loại rau hoa, cây ăn quả. Thứ 2 là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo tinh thần NQ XI của Huyện ủy, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, Oganic,…thứ 3 là tiếp tục hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, như đường giao thông,  hồ chứa, đập thủy lợi, kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất. Thứ 4 là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng, các loại vật tư nông nghiệp, đảm bảo cho sản phẩm nông nghiệp ra thị trường có chất lượng tốt nhất. Thứ 5 là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC. Thứ 6 là tập trung kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, các HTX để liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê cho biết.
     Tất cả những định hướng trên sẽ là nền tảng và động lực để ngành Nông nghiệp Chư Sê tiếp tục ra sức phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển  kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới./.
                                                                   Minh Vân-Đại Nguyên
 



Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Đương - Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.