Thông tin tuyên truyền > Phổ biến hướng dẫn thực hiện pháp luật > Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

02/06/2022

Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân là một vấn đề khá đặc biệt và được sự quan tâm của rất nhiều người. Bởi vì, văn bản quy phạm pháp luật là một công cụ rất quan trọng của Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như chúng ta đã tìm hiểu thì: "Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này...Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện." (Điều 2 và khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015). Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân được quy định dưới hình thức Nghị quyết, của Uỷ ban nhân dân là Quyết định.

Trước đây khi nghiên cứu về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đã có khá nhiều ý kiến khác nhau, nhất là trong thời điểm trước khi Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020 được ban hành, thì trong khoảng thời gian này tồn tại hai văn bản Luật là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 có hiệu lực thi hành.

Về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân là đương nhiên áp dụng theo quy định tại Điều 51 Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đối với cấp tỉnh là sau 10 ngày và phải được đăng trên công báo cấp tỉnh chậm nhất là 5 ngày, cấp huyện là sau 7 ngày và phải được niêm yết chậm nhất là 3 ngày, cấp xã sau 5 ngày và phải được niêm yết chậm nhất là 2 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành, trừ những trường hợp văn bản quy định hiệu lực muộn hơn.

Tuy nhiên, về thời điểm có hiệu lực của văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cũng có thể áp dụng theo điều 78 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2008 "Thời điểm có hiệu lực của văn bản Quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày đăng công bố hoặc ký ban hành".

Từ thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho thấy việc quy định thời điểm có hiệu lực theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân không chỉ sau 10, 07, 05 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký ban hành, mà có thể quy định ngày có hiệu lực muộn hơn, cơ quan soạn thảo dùng kỹ thuật soạn thảo "sau...ngày ký ban hành" cho tiện mà không quy định cụ thể ngày có hiệu lực.

Theo Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, từ chỗ tưởng rằng đây là hai Luật độc lập nhau nhưng thực tế theo quy định tại Điều 2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 lại cho thấy sự liên quan giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản năm 2008 (có thể nói Luật Ban hành văn bản năm 2008 là Luật chung). Hơn nữa, quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 78 Luật Ban hành văn bản năm 2008 tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có thời gian hợp lý để thích ứng và phù hợp với khoản 1 Điều 51 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 "..., trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn".

Hiện nay, theo quy định tại khoản 48 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020 được ban hành thì thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; ngoài ra tại khoản này cũng có quy định văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; đăng Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 152 Luật ban hành văn bản QPPL 2015 văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước. Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 151 và Điều 152 của Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải dự kiến cụ thể ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận văn bản, các đối tượng thi hành có điều kiện chuẩn bị thi hành văn bản.

Như vậy, hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã không sớm hơn 7 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, ngoài ra ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã phải được quy định cụ thể ngày trong văn bản quy phạm pháp luật.

Chính vì việc quy định cụ thể thời điểm có hiệu lực thi hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp các cấp đã góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trên thực tế./.

Thái Dương


Thông tin liên hệ:

  • Huyện Chư Sê - tỉnh Gia Lai
  • ubndchuse@gialai.gov.vn
  • (0269) 385 1781
  • Fax: 0269  385 1781

Thông tin bản quyền:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư  Sê
Chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông.