BÀI TUYÊN TRUYỀN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT TRUNG THU NĂM 2024
04/09/2024
Triển khai Văn bản số 700/CCCNTY-QLDB ngày 23/8/2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai về việc thực hiện truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong dịp Tết Trung thu năm 2024.
Ủy ban nhân dân xã phổ biến các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y trong sản xuất, giết mổ, kinh doanh, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản và các văn bản dưới Luật nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn xã nhất là vào dịp Tết Trung thu hằng năm, với những nội dung cơ bản như sau:
1. Đối với người sản xuất, chăn nuôi
- Người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần tăng cường áp dụng chăn nuôi, nuôi trồng theo hướng đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học; tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh, chất tăng trọng, các chất cấm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nên dùng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong thức ăn cho vật nuôi để tránh tồn dư kháng sinh trong sản phẩm tiêu dùng.
- Người sơ chế, chế biến phải thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến; phải được khám sức khỏe định kỳ; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn…
2. Đối với người giết mổ
Phải khám sức khỏe định kỳ; động vật đưa vào giết mổ phải đảm bảo tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi giết mổ theo hướng dẫn của nhà sản xuất; cơ sở giết mổ phải đảm bảo vệ sinh thú y, đối xử nhân đạo với động vật, chỉ giết mổ động vật khỏe mạnh có nguồn gốc rõ ràng hoặc đã qua kiểm dịch (nếu nhập từ tỉnh khác về), không giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tuân thủ thực hiện việc kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
3. Đối với người vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
- Việc vận chuyển sản phẩm động vật cần bảo đảm để thực phẩm không bị vấy bẩn, xâm nhiễm bởi các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm; phương tiện vận chuyển chuyên dụng, dễ làm sạch,...; không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hóa độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm; không sử dụng các loại chế phẩm không được phép sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
- Người kinh doanh động vật, sản phẩm động vật: Trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị để bày bán sản phẩm động vật đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; không buôn bán động vật bệnh, các sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
4. Đối với người tiêu dùng: Hãy trở thành “Người tiêu dùng thông thái”:
- Nâng cao hiểu biết về cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn và thủy sản.
- Chỉ lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh như: Được bày bán đúng nơi quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm soát của cơ quan nhà nước, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, bày bán không đúng nơi quy định gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Có trách nhiệm khai báo những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời giải quyết.
(Bánh trung thu đảm bảo vệ sinh ATTP) Nguồn: Internet
Ngộ độc thực phẩm là vần đề hết sức phức tạp hiện nay đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của con người, nếu ngộ độc nặng không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do sử dụng nguồn nước, thức ăn không hợp vệ sinh, thực phẩm không đạt chất lượng. Vậy khi dùng thực phẩm nói chung bà con và các bạn nên thực hiện đúng các nguyên tắc sau:
-Lựa chọn thực phẩm tươi sạch an toàn.
-Thực hiện ăn chín, uống chín.
-Thức ăn nấu chín phải được che đậy bảo quản thật kỷ.
-Thức ăn củ trước khi sử dụng phải hâm, đun sôi lại.
-Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm.
-Không sử dụng thực phẩm ôi thiu, ẩm mốc, quá hạn.
-Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm.
Hàng năm vào dịp tết trung thu việc sản xuất và tiêu thụ bánh trung thu rất lớn đây cũng là mối quan tâm trong việc đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo có một cái tết trung thu vui vẻ, an toàn sức khỏe cho mọi gia đình. UBND xã Bar Măih khuyến cáo bà con và các bạn cần phải đảm bảo VSATTP từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có đăng ký chất lượng VSATTP, kiểm tra chất lượng bánh trước khi mua. Không mua, không sử dụng bánh không có nhãn mác, không ngày sản xuất và không hạn sử dụng
Nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không nên chỉ vì ham của rẻ mà mua những sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ.
Người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ,được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giầu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình mọi người hãy cùng góp sức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc và đặc biệt mỗi người tiêu dùng hãy trở thành“Người tiêu dùng thông thái” chỉ mua và sử dụng bánh Trung thu bảo đảm bảo vệu sinh ATTP