Ủy ban Nhân dân xã HBông hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại trên một số cây trồng chính
1. Trên cây lúa
- Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý cây trồng (IPM, IPHM), thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP). Bón phân đúng thời kỳ, đầy đủ, cân đối N, P, K, không bón quá nhiều lượng phân đạm.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến của một số đối tượng sâu bệnh có thể phát sinh gây hại mạnh theo các giai đoạn phát triển của cây lúa như: chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ thường xuất hiện gây hại vào đầu vụ; rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt xuất hiện gây hại vào giữa, cuối vụ.
+ Đối với chuột, ốc bươu vàng: sử dụng các biện pháp thủ công, đặt bẫy để thu bắt ngay từ đầu vụ. Khi mật độ ốc bươu vàng từ 3 con/m2 trở lên có thể diệt ốc bằng các chế phẩm có chứa hoạt chất Metaldehyde, Niclosamide, Saponin,... Đối với chuột có thể sử dụng bẫy trộn thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Warfarin, Bromadiolone, Coumatetralyl,... để diệt chuột vào giai đoạn làm đất, xuống giống và trong giai đoạn lúa đẻ nhánh.
+ Đối với rầy nâu: chủ động phòng trừ kịp thời ngay sau khi rầy cám nở rộ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ rầy nâu trên đồng ruộng từ 1.000 con/m2 trở lên, sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất Buprofezin, Imidacloprid, Dimethoate + Isoprocarb,…; trước khi phun thuốc, điều tiết mực nước trong ruộng khoảng 10 - 15 cm kết hợp rạch hàng theo băng rộng 1,5 - 2 m để tăng hiệu quả phòng trừ.
+ Đối với bệnh đạo ôn: bệnh thường gây hại trên những ruộng lúa sạ dày, bón thừa phân đạm, cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời, khi tỷ lệ bệnh dưới 10%; xử lý bằng cách phun thuốc chứa hoạt chất Albendazole, Azoxystrobin, Ferimzone,...; chú ý phun kỹ mặt dưới của lá để nâng cao hiệu quả phòng trừ.
Lưu ý: hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn lúa dưới 40 ngày tuổi, chỉ sử dụng thuốc khi sâu, bệnh ở mật độ, tỷ lệ cao đến ngưỡng cần phòng trừ và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả phòng trừ.

2. Trên cây ngô
- Tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người trồng ngô nhận diện được về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại và các giải pháp phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại do cơ quan chuyên môn hướng dẫn (Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020).
- Sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu (NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT,…) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là giai đoạn ngô 3 - 6 lá. Dự tính, dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp khuyến cáo hỗ trợ người dân tổ chức phòng trừ có hiệu quả, sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất Spinettoram, Indoxacarb, Lufenuron, Emamectin benzoate,… để phòng trừ.
3. Trên cây sắn
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn do Cục Bảo vệ thực vật ban hành tại Văn bản số 1605/BVTV-TV ngày 21/7/2017; Quy trình canh tác sắn bền vững, Quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá do Cục Trồng trọt bạn hành tại Văn bản số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019.

- Khuyến cáo người dân sử dụng giống sắn có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh; không sử dụng giống HLS-11 để trồng, không mua bán, trao đổi giống không rõ nguồn gốc, giống chưa có chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Khuyến khích người dân trồng giống sắn HN5, là giống sắn có năng suất khá cao, kháng bệnh khảm lá virus (giống HN5 đã được Viện Di truyền Nông nghiệp công bố lưu hành tại các tỉnh Tây Nguyên từ ngày 23/11/2023).
- Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, theo dõi thường xuyên diễn biến bệnh khảm lá virus hại sắn và môi giới truyền bệnh trên đồng ruộng, dự đoán chính xác thời điểm bệnh phát sinh để chủ động các biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi bệnh mới phát sinh ở giai đoạn cây sắn đang còn nhỏ tuổi (dưới 3 tháng tuổi). Khuyến cáo người dân bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây để hạn chế tác động của bệnh. Đối với những diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus gây hại nặng nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cây đậu đỗ, cây hàng năm khác,... ít nhất 01 năm để cắt đứt nguồn bệnh mới trồng sắn trở lại.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng sắn có hiệu quả; áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh và đưa nhanh các giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất.
4. Trên cây mía
- Khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hoạch, làm giống, xử lý hom giống mía trước khi trồng mới. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật tiêu hủy sau khi thu hoạch xong. Xử lý đất, giống khi trồng mới, tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc; tuyệt đối không lấy hom giống mía ở những vùng bị nhiễm bệnh trắng lá mía để trồng.

- Thường xuyên điều tra, kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác tình hình gây hại của bọ hung, xén tóc hại mía, phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan. Đối với bệnh trắng lá mía nếu phát hiện phải xử lý triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng, nhất là ở giai đoạn mía đẻ nhánh (1-3 tháng tuổi) nhằm hạn chế tối đa, khống chế, không để phát sinh, lây lan thành dịch.
5. Trên cây cà phê
- Hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng vừa hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời để hạn chế sâu bệnh và rụng quả.

- Đối với rệp sáp gây hại cà phê: thường phát sinh gây hại mạnh vào các thời điểm nắng nóng - khô hạn kéo dài và xen kẽ những đợt mưa đầu mùa (tháng 4, 5), do vậy cần thường xuyên theo dõi vườn cây để chủ động phòng trừ sớm, kịp thời khi rệp tuổi nhỏ. Khi mật độ rệp sáp thấp có thể sử dụng các loại thuốc sinh học như: Abamectin, Azadirachtin, Nấm tím (Paecilomyces), Nấm trắng (Beauveria), Nấm Xanh (Metarhizium),... để phòng trừ; đối với những vườn có rệp sáp xuất hiện với mật độ cao nên kết hợp tưới nước phá tan lớp sáp để khi phun thuốc dễ thấm sâu vào chùm quả, có thể sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Alpha-Cypermethrin, Dimethoate, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin,… để phòng trừ; các loại thuốc trên cần pha theo nồng độ hướng dẫn trên nhãn bao bì để phun, phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ vào những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại.
- Đối với bệnh gỉ sắt gây hại cà phê: thường phát sinh gây hại vào các tháng đầu và giữa mùa mưa (tháng 4, 5, 6) và gây hại mạnh vào tháng 11, 12; cần tiến hành kiểm tra và phun cục bộ những cây bị nhiễm bằng các thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Difenoconazole + Propiconazole,… để phòng trừ.
- Đối với bệnh rụng quả cà phê: thường phát sinh và gây hại mạnh vào tháng 7, 8; ngoài phòng trừ rệp sáp, rệp vảy, bón phân đầy đủ, kịp thời, đúng lúc, cần bón bổ sung phân trung, vi lượng và phun thuốc trừ nấm gây thối cuống, có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Chlorothalonil,… để phòng trừ; pha theo nồng độ khuyến cáo, phun ướt đều cành, quả, lá cà phê.
- Đối với những diện tích đất chuẩn bị trồng tái canh cần cày sâu, phơi ải đất, thiết kế lô, xử lý hố trồng, chuẩn bị cây giống đảm bảo trước khi đi vào trồng mới (thực hiện theo Quy trình tái canh cà phê vối được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016).
6. Trên cây hồ tiêu
- Khuyến cáo người dân chăm sóc, tưới nước, để tán cây che bóng, tủ gốc giữ ẩm cho vườn cây (rơm rạ, cỏ khô,...) trong mùa khô, bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng giúp cây phát triển tốt, nâng cao khả năng kháng sâu bệnh hại. Vào mùa mưa cần vun cao gốc tiêu để tránh ngập úng; những vườn có độ dốc thấp dưới 100, đất bằng phẳng phải thiết kế mương thoát nước, rong tỉa cây che bóng làm cho vườn tiêu thông thoáng, tăng độ chiếu sáng làm tăng khả năng quang hợp của cây, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, kịp thời tiêu hủy nguồn bệnh trong vườn hồ tiêu. Chú ý theo dõi và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như như tuyến trùng, vàng lá thối rễ tơ,... Khuyến cáo người dân nên kết hợp thuốc tuyến trùng + nấm bệnh để xử lý, sau 15 - 20 ngày dùng thuốc kích thích ra rễ giúp cây phục hồi bộ rễ. Đối với tuyến trùng dùng thuốc có hoạt chất Ethoprophos, Clinoptilolite,... để phòng trừ. Đối với nấm bệnh dùng hoạt chất Potassium phosphonate, Dimethomorph, Metallaxyl, Fosetylaluminium,... để phòng trừ. Đồng thời, dùng các sản phẩm có hoạt chất 1-Naphthylcetic acid (NAA), acid humic để kích thích bộ rễ hồi phục và phát triển. Các loại chế phẩm trên hòa tan trong nước, sục xung quanh gốc cách gốc 30 - 35 cm, sâu 35 - 40 cm, sục từ 8 - 12 lỗ với lượng nước thuốc 4 - 5 lít/gốc. Nồng độ pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
7. Cây ăn quả
- Tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân phát triển, sản xuất các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng, chanh leo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện. Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Trên cây chanh dây: áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng cây giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm virus.

+ Đối với nhóm bệnh virus và côn trùng môi giới (rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ): treo bẫy dính vàng để dự tính, dự báo sớm sự xuất hiện của các môi giới truyền virus, có thể trùm lưới để bảo vệ cây con khỏi các côn trùng gây hại, đặc biệt là các môi giới truyền virus hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất Spirotetramat, Abamectin, Emamectin benzoate,… để phòng trừ môi giới truyền virus.
+ Đối với các loại nhện hại: sử dụng luân phiên các thuốc có chứa hoạt chất Abamectin, Abamectin+Petroleum oil 39,7%, propargite, dầu khoáng,… phun ướt đều bề mặt lá và các bộ phận khác trên cây. Sau 03 - 05 ngày nếu thấy vẫn còn nhện cần phun nhắc lại lần 2.
+ Đối với ruồi đục quả: dùng bẫy dính màu vàng hoặc bẫy dẫn dụ có hoạt chất Methyl Eugenol treo bên ngoài vườn, để dự báo sự xuất hiện của ruồi. Khi có ruồi vào bẫy, phun bả protein (Ento-Protein 150 DD). Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên phun bả protein đồng loạt trên diện rộng để tăng hiệu quả diệt ruồi.
- Trên cây sầu riêng:
+ Đối với các đối tượng thuộc nhóm chích hút như: nhện đỏ, rệp sáp, rầy phấn, bọ trĩ,... xuất hiện và gây hại mạnh vào mùa nắng nóng, tấn công và gây hại lá non, đọt non, hoa và quả non. Đây là nhóm côn trùng dễ kháng thuốc, có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Spirotetramat, Buprofezin,... để phòng trừ; luân phiên các nhóm thuốc để tránh hiện tượng kháng thuốc; bảo đảm thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng.
+ Đối với sâu đục quả: thường gây hại vào giai đoạn quả từ 01 tháng tuổi đến 02 tháng tuổi, đặc biệt là trên các chùm quả; kiểm tra vườn khi có từ 5% chùm quả trở lên bị hại thì có thể sử dụng các thuốc có hoạt chất Bacillus thuringiensis, Spinosad, Chlorantraniliprole,... để phòng trừ theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì, nên phun thuốc khi sâu chưa đục sâu vào trong quả để đạt hiệu quả cao.
+ Đối với bệnh do nấm Phytophthora palmivora (bệnh xì mủ chảy nhựa thân): thường phát sinh gây hại mạnh vào mùa mưa, gây hại trên tất cả các bộ phận của cây (rễ, thân, cành, lá, trái). Nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như: Sử dụng các sản phẩm hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng, rơm khô, cỏ khô, phân hữu cơ đã hoai mục kết hợp vi sinh vật đối kháng như Trichoderma, Streptomyces nhằm diệt mầm bệnh Phytophthora và tăng sức đề kháng cho cây.
Rải vôi xung quanh tán cây và quét lên gốc cây trong phạm vi 0,5 - 1m từ mặt đất (sử dụng vôi đậm đặc quét lên thân chính vào đầu mùa mưa). Khi thấy vết chảy nhựa xuất hiện trên thân nên dùng dao cạo bỏ hết phần vỏ bị thối nâu rồi sử dụng hỗn hợp Fosetyl-aluminium 25g/10 lít nước + Mancozeb + Metalaxyl dùng cọ bôi lên vết bệnh nhiều lần đến khi vết bệnh khô hẳn; pha 40ml thuốc Phosphorous acid và 20g Fosetyl-aluminium vào bình 8 lít để tưới ướt gốc và toàn bộ vùng rễ; có thể phun Phosphorous acid pha 40ml/bình 8 lít nước, phun ướt đều qua thân, lá và các nách cành (phun vào sáng sớm hay chiều mát),… để phòng trừ.
- Đối với các loại cây ăn quả khác như chuối, dứa, nhãn, cam, bưởi,... áp dụng quy trình chăm sóc, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại theo Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cây ăn quả chủ lực được ban hành tại Văn bản số 480/TT-CCN ngày 10/4/2024 của Cục Trồng trọt.
Nguyễn Hương