Ủy ban Nhân dân xã HBông hướng dẫn sản xuất vụ mùa năm 2024 như sau:
1. Chuẩn bị đất
- Hướng dẫn, vận động nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp (lĩnh vực trồng trọt) thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
- Lựa chọn đất đai có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với từng loại cây trồng; làm đất (cày đất, ải đất, dầm đất đối với đất lúa nước), bón lót phân hữu cơ.
2. Chuẩn bị vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật)
- Rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; xác định tổng lượng vật tư từng loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất vụ Mùa năm 2024 (chuẩn bị vật tư nông nghiệp phù hợp với từng thời điểm sản xuất để cung ứng, tránh tình trạng thiếu hụt vật tư nông nghiệp và đẩy giá lên cao).
- Hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp lựa chọn vật tư nông nghiệp có chất lượng cao để phục vụ sản xuất; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đưa vào sản xuất gây thiệt hại cho người dân; khuyến cáo sử dụng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic,…; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh có độ độc hại cao, gây tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản.
3. Về lịch thời vụ và giống cây trồng
3.1. Đối với cây lúa nước:
a) Rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa:
- Vùng an toàn nguồn nước sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ.
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng những vùng có khả năng thiếu nước vào đầu vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm tưới nước.
b) Thời vụ:
- Vùng chủ động nước tưới, có công trình thủy lợi xuống giống đại trà tập trung từ 30/5 - 30/6.
- Vùng không chủ động nước, phụ thuộc nước trời: xuống giống tập trung, kết thúc trong tháng 7.
c) Cơ cấu giống lúa:
- Giống chủ lực: HT1, LH12, TBR97, TBR225, BC15, Đài thơm 8, Nhị ưu 838, ML48, OM4900.
- Giống bổ sung: J02, OM6976, TH6, ĐV108, TBR45, BC15, ĐT100, HN6, ML49.
- Giống triển vọng: BĐR27, OM468, TBR87; tiếp tục theo dõi, đánh giá làm cơ sở bố trí cơ cấu giống cho các vụ sau.
d) Áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cho lúa, tiết kiệm nước tưới:
- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (sản xuất trồng trọt) áp dụng kỹ thuật sản xuất IPM, ICM, IPHM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”… ngay từ đầu vụ. Sử dụng hạt giống xác nhận đối với lúa thuần, hạt lai F1 đối với lúa lai; gieo sạ thưa hợp lý (lúa thuần 80 - 100 kg/ha, lúa lai 40 - 50 kg/ha).
- Tăng cường bón lót phân hữu cơ; bón phân vô cơ cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây; sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng, được phép lưu hành tại Việt Nam (ưu tiên sử dụng các loại phân chậm tan để chống thất thoát).
- Tưới nước theo phương pháp “Nông - Lộ - Phơi” và Sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi ban hành. Tranh thủ nguồn nước để tưới đủ cho 3 lần bón phân và thời kỳ trổ bông.
- Đẩy mạnh cơ giới khâu làm đất (cày, bừa), khâu thu hoạch, khâu bảo quản, sơ chế và chế biến. Thực hiện tốt nội dung liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn.
- Mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường và áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm vật tư đầu vào; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa gắn với sơ chế, bảo quản lúa gạo tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của địa phương và tăng cường chế biến sâu, phát triển đa dạng các sản phẩm có giá trị cao từ lúa, gạo (tinh bột, thực phẩm chức năng, dầu ăn, bánh cao cấp,…) và chế biến các phụ phẩm lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng từ lúa gạo.
3.2. Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày:
Các loại cây trồng như ngô, lúa cạn, khoai lang, sắn, mía, rau, đậu đỗ,...: tập trung gieo trồng khi đất đảm bảo độ ẩm. Cụ thể:
- Cây ngô: khuyến cáo nông dân sử dụng giống ngô lai cho năng suất cao, cứng cây, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày, như: Bioseed 9698, CP 888, LVN10, TBM189, VS36, các giống ngô biến đổi gen (NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT…) và một số giống ngô nếp: HN88, TBM18, TBM135, MX10,… có khả năng kháng sâu keo mùa thu.
- Lúa cạn: quan tâm phát triển một số giống lúa đặc sản địa phương đáp ứng với nhu cầu thị trường như: giống Ba Chăm huyện Mang Yang; giống Bọc thép huyện Kbang; giống Ba Cong, Ba Pơ Riêu huyện Kông Chro,...
- Khoai lang: chọn giống khoai lang Nhật, giống khoai lang Lệ Cần.
- Cây rau, đậu đỗ các loại:
+ Đậu xanh khuyến cáo sử dụng các giống Đậu xanh: HLĐX6, ĐX.208,... có thời gian sinh trưởng ngắn; có khả năng kháng bệnh virus khảm vàng lá cao. Sử dụng giống đậu lạc L14, L25, HL25.
+ Cây rau, đậu khác: phát triển các loại rau, đậu đỗ gắn với cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hợp đồng liên kết sản xuất; hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, đậu đỗ chất lượng cao theo tiêu chuẩn gắn với tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định. Quan tâm sản xuất vùng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cây sắn: sử dụng giống sắn HN5 (giống sắn kháng bệnh khảm lá virus) và các giống sắn có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, phù hợp với công nghiệp chế biến, ít nhiễm bệnh khảm lá virus, bệnh chổi rồng như: KM98-1, KM94, KM140, KM419,…
- Cây mía: khuyến cáo sử dụng các giống mía có thời gian chín trung bình và muộn như LK92-11, KK3, K88-92, K95-84, Suphanburi7… có chữ đường cao, phù hợp với công nghiệp chế biến, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây mía.
3.3. Đối với cây công nghiệp dài ngày:
Khuyến cáo sử dụng nguồn giống được sản xuất, buôn bán tại các vườn ươm trên địa bàn tỉnh được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; giống có nguồn gốc từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận, cụ thể:
- Cây cà phê: rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh tái canh các vườn cà phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Thực hiện trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng trồng cà phê tái canh có điều kiện. Tiếp tục thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh và phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan; những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Áp dụng rộng rãi kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; trồng cây chắn gió, cây che phủ, tủ gốc và tạo cảnh quan cà phê; từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sản xuất cà phê chứng nhận.
- Cây hồ tiêu: tập trung quản lý quy mô phát triển hồ tiêu phù hợp nhu cầu thị trường. Giảm một phần diện tích không phù hợp trồng hồ tiêu, diện tích hồ tiêu già cỗi, bị bệnh hại nặng sang cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn. Tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống hồ tiêu sạch bệnh có năng suất, chất lượng và chống chịu sâu bệnh hại; xây dựng cơ cấu giống phù hợp thị trường tiêu thụ cho từng vùng sinh thái. Ưu tiên giải pháp trồng xen nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo tính bền vững. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về thiết kế vườn trồng, sử dụng trụ sống, tưới nước tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại; sản xuất hồ tiêu có chứng nhận, hồ tiêu hữu cơ và xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng.
- Cây điều: chuyển đổi một phần diện tích điều kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn. Chú trọng trồng thay thế, ghép cải tạo và trồng mới cây điều bằng giống mới, năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh điều như đốn tỉa tạo tán, tưới nước tiết kiệm, xử lý ra hoa, khai thác đa giá trị trên vườn điều, trồng xen, nuôi xen. Đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất thâm canh điều có hiệu quả. Tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nhóm nông hộ, tổ hợp tác trồng điều với doanh nghiệp thu mua thông qua hợp đồng kinh tế.
- Cây cao su: tổ chức rà soát, đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích cao su ở địa bàn không phù hợp, sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường ở những chân đất thích hợp và dành một phần quỹ đất để phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chế biến và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
3.4. Đối với cây ăn quả và cây dược liệu:
- Cây ăn quả: ưu tiên phát triển, mở rộng diện tích một số cây ăn quả có lợi thế, thị trường tiêu thụ như chuối, chanh leo, sầu riêng, xoài, dứa,… gắn với việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng thâm canh cây ăn quả chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo quản, sơ chế, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ; liên kết các khâu sản xuất, phân phối theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và phát triển sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
- Cây dược liệu: tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên và gây trồng; khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm, nằm trong danh mục cần bảo vệ để bảo tồn nguồn gen và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Phát triển các chủng loại dược liệu hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, trên cơ sở liên kết vùng phát triển các dược liệu quý; xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị liên vùng và ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu; đồng thời, khai thác tối đa và có hiệu quả các tiềm năng lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn trí thức bản địa về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc trong xã.

4. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả
- Tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng mía, sắn, điều, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả sang trồng rau, củ, quả, cây dược liệu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường ở những chân đất thích hợp và dành một phần quỹ đất để phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thực hiện Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 19/7/2021 về thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 09/7/2021 về triển khai thực hiện Đề án phát triển rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn huyện Chư Sê đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 của UBND huyện.
- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá, xác định chi tiết thực trạng diện tích từng loại cây trồng kém hiệu quả, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở từng địa bàn cấp xã; đánh giá, phân tích các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cơ sở hạ tầng, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, khả năng thực hiện của người dân… để xác định, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả và khai thác, tận dụng các lợi thế sản xuất của từng vùng, từng địa phương.
5. Về tổ chức sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh nông sản và bảo vệ môi trường
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: tăng cường thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực; tập trung đẩy mạnh công tác phòng trừ, sâu bệnh hại cây trồng; tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; phát triển bền vững sản xuất sầu riêng, chanh leo; thực hiện đảm bảo Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn năm 2024.