1. Triệu chứng bệnh LMLM.
- Khi nhiễm bệnh, nhiệt độ cơ thể của gia súc khá cao (khoảng 40°C). Đồng thời, gia súc trở nên kém ăn, ủ rũ, tiết nước bọt nhiều và nhiễu xuống; ở vùng miệng (miệng, lợi và lưỡi), vùng chân (kẽ móng và bờ móng chân) và vú xuất hiện các mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt. Trong vòng 24 giờ, mụn nước sẽ tự vỡ, làm bờ móng sưng đau dẫn tới con vật đi lại khó khăn, phải nằm một chỗ. Nếu bệnh phát triển mạnh, khoảng từ 5 đến 6 ngày, con vật sẽ yếu, khó thở và chết.
- Ở trâu, bò: Thời gian nung bệnh từ 2 – 5 ngày, có thể đến 21 ngày. Trâu, bò mắc bệnh, trong 2, 3 ngày đầu sốt cao trên 400C, kém ăn hoặc bỏ ăn, bị đau miệng chảy nhiều nước dãi và bọt trắng như bọt xà phòng; viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng.
2. Biện pháp phòng, chống bệnh LMLM.
a) Phòng bệnh.
Thực hiện tốt vệ sinh thú y: giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng. Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Người vào thăm quan, nhân viên thú y,… trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi phải phải được vệ sinh, khử trùng và trang bị bảo hộ.
Thực hiện các quy chế phòng chống bệnh lở mồm long móng đúng theo Pháp lệnh Thú y:
+ Cách ly triệt để gia súc ốm, không chăn thả tập trung;
+ Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển…
+ Thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc nghi mắc bệnh, bị ốm, chết.
b) Chống bệnh.
Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường.
Báo ngay cho Thú y để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp; Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
c) Trường hợp bị nghi mắc bệnh LMLM.
+ Phải tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò. Bổ sung thức ăn tinh và thức ăn thô xanh.
+ Dùng các chất sát trùng nhẹ (xanh Metylen, thuốc tím 1%), nước chanh, nước khế để rửa, sát trùng các chỗ lở loét.
+ Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin, khoáng chất;
+ Dùng kháng sinh để chống các bệnh nhiễm trùng kế phát.
+ Nuôi nhốt, cách ly bò ốm, tránh lây lan ra diện rộng.
Người dân khi phát hiện tình trạng nghi ngờ bò bị bệnh LMLM hoặc có các biểu hiện như trên, ngay lập tức cách ly gia súc bị bệnh, báo cáo thôn trưởng hoặc UBND xã qua số điện thoại 036.785.3225 để có hướng xử lý tiếp theo.
Nguyễn Hương