CHUYÊN MỤC

Tin tức > Pháp luật và Đời sống > QUY CHẾ TIẾP XÚC, ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP VỚI NHÂN DÂN TR

QUY CHẾ TIẾP XÚC, ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP VỚI NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

04/04/2017

Ngày 14 tháng 3 năm 2017, Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Quyết định số 553-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh, với một số nội dung cơ bản, cụ thể như sau:

I. Mục đích tiếp xúc, đối thoại:
          - Làm cơ sở để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến tham vấn của nhân dân. Trên cơ sở đó, tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân; đảm bảo quyền làm chủ và vai trò giám sát của nhân dân; kiểm tra tính đúng đắn của việc thực hiện các quy định đã ban hành; kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh để kiến nghị giải quyết hoặc nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, chính sách chưa phù hợp.
          - Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương của cấp ủy, quy định của chính quyền địa phương; những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
          - Góp phần tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
          - Kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót; phát huy những ưu điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị.
II. Đối tượng điều chỉnh:
          - Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
          Người đứng đầu cấp ủy là Bí thư Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Bí thư Đảng ủy cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).
          Người đứng đầu chính quyền là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
          - Cán bộ, đảng viên và cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và được mời dự các buổi tiếp xúc, đối thoại.
III. Nguyên tắc tiếp xúc, đối thoại
          - Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
          - Bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Điều lệ, Quy chế, quy định của tổ chức và địa phương.
          - Không lợi dụng việc tiếp xúc, đối thoại để tuyên truyền các quan điểm sai trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống phá, gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây mất đoàn kết nội bộ.
          - Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại phải đảm bảo dân chủ, bình đẳng, công khai, khách quan, minh bạch trên tinh thần xây dựng, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
IV. Hình thức, phương pháp tiếp xúc, đối thoại
Căn cứ vào công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để chủ động tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân bằng các hình thức, phương pháp phù họp sau:
          - Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân: Là việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với số lượng lớn công dân đến tham dự, trao đổi, bàn bạc, thảo luận đê người chủ trì lắng nghe, tiếp thu, giải trình các vấn đề mà nhân dân quan tâm.
          - Tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề: Là việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các chuyên gia, nhà khoa học hoặc các cá nhân cùng quan tâm về một số vấn đề cụ thể trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền địa phương.
          - Tiếp xúc, đối thoại trực tuyến (qua internet hoặc các điểm cầu): Là việc tổ chức tiếp xúc qua mạng, không bị giới hạn về không gian và số lượng người tham dự. Người chủ trì cùng lúc tiếp nhận, nắm bắt được nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, đồng thời trao đổi, trả lời để nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
V. Chế độ tiếp xúc, đối thoại
          Tiếp xúc, đối thoại định kỳ ít nhất 01 lần/năm được thực hiện ở cả 3 cấp.
          - Cấp tỉnh: Được tổ chức trên địa bàn huyện, xã hoặc liên xã. Người chủ trì trực tiếp trả lời hoặc phân công cho các cơ quan chuyên môn trả lời các ý kiến của nhân dân.
          - Cấp huyện: Được tổ chức trên địa bàn xã hoặc liên xã. Người chủ trì trực tiếp trả lời các ý kiến của nhân dân.
          - Cấp xã: Được tổ chức trên địa bàn thôn, khu dân cư. Người chủ trì trực tiếp trả lời các ý kiến của nhân dân.
          - Tiếp xúc, đối thoại đột xuất được thực hiện khi có những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đễ lấy ý kiến về nội dung các chủ trương, chính sách trước khi ban hành hoặc theo yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
 VI. Trách nhiệm của các Tổ chức, cá nhân tham gia tiếp xúc, đối thoại
1. Trách nhiệm của tổ chửc đảng các cấp đối với cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy
          - Xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
          - Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan đến nội dung tiếp xúc, đối thoại chuẩn bị các nội dung để tổ chức thực hiện.
          - Thông qua tiếp xúc, đối thoại, tổng hợp báo cáo và đề nghị bằng văn bản gửi các ngành chức năng cấp trên về những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên giải quyết.
          - Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc giải quyết những vấn đề sau khi tiếp xúc, đối thoại.
2. Trách nhiệm của chính quyền các cấp đối vói cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền
          - Xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
          - Chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền tham gia đoàn tiếp xúc, đối thoại và có trách nhiệm trả lời, giải quyết những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình (khi có yêu cầu). Đồng thời, thông báo kết quả của cuộc tiếp xúc, đối thoại cho Mặt trận Tổ quôc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để thực hiện chức năng giám sát.
          - Tổng họp, xem xét, giải quyết, trả lời các ý kiến của nhân dân và báo cáo lên chính quyền cấp trên và cấp ủy cùng cấp; kiến nghị cấp ủy những vấn đề cần thiết qua tiếp xúc, đối thoại.
3. Trách nhiệm của người chủ trì tiếp xúc, đối thoại
          - Điều hành nội dung, chương trình hội nghị, hỏi và trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, ứng xử linh hoạt tùy theo từng câu hỏi của nhân dân; vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giải thích, trả lời cho nhân dân.
          - Có thái độ cầu thị, thân mật, gần gũi, tác phong giản dị, chỉ đạo giải quyết trực tiếp các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân để tạo lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.
          - Hạn chế việc trình bày một chiều, chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, trao đổi những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền cần quan tâm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
          - Đối với những vấn đề đã rõ, có cơ sở thì trả lời, giải quyết ngay tại buổi tiếp xúc, đối thoại; những vấn đề cần phải có thời gian nghiên cứu giải quyết, những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên thì tiếp thu và chỉ đạo hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
          - Có quyền từ chối tiếp xúc, đối thoại đối với các trường hợp say rượu, sử dụng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có hành vi kích động, gây mất trật tự công cộng, đe dọa, xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp xúc, đối thoại.
          - Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc chỉ đạo phân công các cơ quan chuyên môn trả lời các ý kiến của công dân tại buổi tiếp xúc, đối thoại.
4. Quyền và trách nhiệm của nhân dân khi tham gia tiếp xúc, đối thoại
          - Được tham gia và đưa ra các vấn đề để trao đổi, đối thoại.
          - Được hướng dẫn, giải thích, trả lời về nội dung liên quan đến ý kiến, phản ánh của mình.
          - Tôn trọng sự điều hành và lắng nghe ý kiến của người chủ trì tiếp xúc, đối thoại.
          - Thực hiện nghiêm túc những quy định chung của cuộc tiếp xúc, đối thoại. Tuyệt đối không được mang vũ khí, chất nổ, chất độc hại vào nơi tiêp xúc, đối thoại.
          - Giữ gìn an ninh, trật tự nơi tiếp xúc, đối thoại; không lợi dụng tiếp xúc, đối thoại để gây rối an ninh trật tự.
                                                                                                 NGỌC TRANG (Tổng hợp) 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang