CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Huyện Chư Sê quan tâm công tác gia đình trong thời kỳ mới

Huyện Chư Sê quan tâm công tác gia đình trong thời kỳ mới

11/11/2024

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới được triển khai đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Lấy hạnh phúc gia đình làm động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từng bước phát huy những giá trị, truyền thống quý báu, tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực của gia đình nhằm góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác gia đình. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác gia đình trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là:
Cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác gia đình vào Nghị quyết BCH Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND; Kế hoạch UBND huyện giao trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện. Thành lập Ban Chỉ đạo “Công tác gia đình” và Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện hợp nhất thành một và có tên gọi là Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện. Triển khai thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình”, đường dây nóng về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình tại thôn, làng. Ở các xã, thị trấn cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm công tác gia đình


Hình cổ động về công tác gia đình, nguồn: Internet
 
Năm 2024, trên địa bàn huyện có 126/126 tổ hòa giải (kiêm nhiệm hòa giải, giải quyết các vụ việc liên quan đến gia đình, bạo lực gia đình tại thôn, làng, tổ dân phố); 15 người/15 xã, thị trấn có cán bộ, công chức phụ trách kiêm nhiệm công tác gia đình; có 20 Câu lạc bộ hoạt động với tên gọi “Gia đình phát triển bền vững”, “Phụ nữ nuôi dạy con tốt”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Nói không với nạn tảo hôn”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; 75 mô hình địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình ở thôn, làng, tổ dân phố.
Công tác gia đình được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của huyện. Công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình, ly hôn, tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số được lồng ghép thực hiện thường xuyên gắn với phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy vai trò của người uy tín tại cộng đồng, các tổ hòa giải để giải quyết các vụ việc, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới giữa nam và nữ, qua đó làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững và cần xem phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai.
 Công tác xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện tốt ở các khâu tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia thực hiện xây dựng gia đình văn hóa; tổ chức việc bình bầu gia đình văn hóa công khai, dân chủ từ khu dân cư; hướng dẫn cơ sở nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.
 Công tác xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa được chú trọng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, ổn định chính trị, quốc phòng- an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tinh thần yêu nước được phát huy, các tập tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi; khoa học công nghệ được phổ biến ứng dụng vào sản xuất và đời sống, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi phù hợp với từng vùng, từng địa phương và sản xuất hàng hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
 Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công tác gia đình trong thời kỳ mới trên địa bàn huyện còn một số tồn tại: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác gia đình. Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Các hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình của các cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thật phong phú, đa dạng. Hệ thống thiết chế văn hóa đã được quan tâm đầu tư tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ nên gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống bạo lực gia đình.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác gia đình trong thời mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, Kế hoạch số 48-KH/TU và Kế hoạch số 22-KH/HU. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hai là, tiếp tục lồng ghép công tác xây dựng gia đình gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy vai trò của cộng đồng và quan tâm đầu tư nguồn lực đúng mức cho công tác gia đình.
Ba là, quan tâm, xây dựng các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông; tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về gia đình như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh dân số; Luật phòng, chống bạo lực gia đình...
Bốn là, duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Đẩy mạnh cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng và nhân rộng các gia đình điển hình, tiêu biểu.
 Năm là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ huyện đến cơ sở.
Sáu là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về gia đình, công tác gia đình.
                    Phan Tất Phượng - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang