CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Nghệ nhân Rơ Mah H’Đách một đời gắn bó với dân ca Jrai

Nghệ nhân Rơ Mah H’Đách một đời gắn bó với dân ca Jrai

16/06/2017

Mặc dù đã bước vào tuổi già, sức yếu nhưng nghệ nhân Rơ Mah H’Đách người đồng bào dân tộc Jrai ( làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) vẫn còn sở hữu cho riêng mình một chất giọng ấm áp và đầy nội lực mỗi khi hát về các làn điệu dân ca bằng tiếng Jrai để phục vụ cho bà con dân làng nghe vào mùa lễ hội.
Đến làng Gran hỏi thăm nhà già Rơ Mah H’Đách nghệ nhân hát làn diệu dân ca Jrai từ người già đến trẻ con ai ai cũng biết. Bởi hiện nay, trong làng chỉ xót lại già H’Đách là người duy nhất hát thành thạo loại hình âm nhạc này. Cùng ngồi trò chuyện với chúng tôi già H’Đách liền hát cho tôi nghe về một số bài dân ca mà già được mẹ truyền dạy như: hát về mùa gặt lúa, làm nương rẫy, tình yêu đôi lứa bằng tiếng Jrai. Nhìn cách hát đầy nội lực cùng với sự kết hợp nhịp nhàng trong việc giữ hơi để tạo độ lên xuống làm cho bài hát hay và sinh động hơn của già cũng đã cho tôi thấy được phần nào về sự hồn nhiên và vẻ đẹp đời thường về cuộc sống của đồng bào Jrai nơi đây.
Đồng thời, trong quá trình nghe già hát, chúng tôi còn được già kể cho nghe về cách thức hát dân ca làm sao cho vừa đúng lại vừa hay để lôi cuốn người nghe, theo già H’Đách: “Để yêu thích và hát những bài hát dân ca Jrai là rất khó, cần có một quá trình luyện tập lâu dài thì mới có thể hát được. Người tập hát cần có một chất giọng cao và trầm, bởi nếu ca mà hụt hơi sẽ làm sai nhịp của bài hát. Bên cạnh đó trong quá trình hát nếu có sự kết hợp của một số loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như: cồng chiêng, đàn t’tưng, đàn goong, đàn đá….. sẽ tạo nên cho bài hát trở nên hay và sinh động hơn”.

Nghệ nhân Rơ Mah H’Đách người dành trọn cả cuộc đời hát nhạc dân ca Jrai
Ngạn ngữ của người Jrai có câu: “ Thiếu tiếng hát, tiếng đàn chẳng khác gì thiếu muối, thiếu gạo”. Vì vậy từ thời xa xưa người Jrai thường dạy con cái mình khi lớn lên phải biết hát và múa. Đặc biệt là các bạn nữ phải hát được các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Với những gì mà cha ông để lại ngay khi từ lúc lên13-14 tuổi cứ mỗi khi có thời gian già H’Đách lại được mẹ tập cho cách hát dân ca Jrai thông qua những hình ảnh quen thuộc hàng ngày như: mùa gặt lúa, tình yêu đôi lứa….. và chỉ qua hai năm tập luyện già H’Đách đã biết cách hát và tự tin biểu diễn cho bộ đội và dân làng nghe nhất là những chuyến công tác đi tuyên truyền ở cơ sở vận động thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc.
Già Rơ Mah H’Đách tâm sự: “ Lúc còn nhỏ có thời gian là mẹ mình chỉ cho mình hát dân ca của dân tộc mình, một tiếng rồi 2 tiếng, 3 tiếng đêm nào cũng vậy và dần dần không biết lúc nào mình đã hát thành thạo những làn điệu mà mẹ truyền lại. Có lần hai mẹ con ngồi hát cho bà con trong làng nghe họ thích lắm và đến bây giờ mình vẫn còn hát cho bà con nghe mỗi khi làng có lễ hội”.
Theo một số người dân đang làm ăn và sinh sống trong làng Gran cho biết: “ hiện nay số nghệ nhân biết hát dân ca của đồng bào dân tộc Jrai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vì đây là một loại hình âm nhạc rất khó hát, có một số chị em phụ nữ trong làng được già H’Đách truyền dạy nhưng cũng chỉ 3-4 buổi là dừng. Bên cạnh đó muốn hát được thể loại này đòi hỏi mỗi người học cần có một quá trình rèn luyện dài thì mới có thể hát thành thạo được 2-3 bài và khó khăn nhất là trong làng không có một ai ghi chép những bài hát dân ca, chủ yếu tập hát bằng phương thức truyền miệng nên ít được người dân quan tâm loại hình âm nhạc này.
Rất nhiều lần mình bày cho con, cho cháu trong làng hát dân ca Jrai, hát thế này, thế nọ nhưng họ không mở miệng để ca như mình được. Nhất là con cái trong nhà đêm đêm, ngày ngày mình chỉ cho cách hát mà vẫn không hát được, các cháu chỉ thích hát nhạc trẻ thôi. Mình sợ mình mất đi rồi sẽ không còn ai hát dân ca của đồng bào mình cho dân làng nghe. – già Rơ Mah H’Đách cho biết thêm.
Bảo tồn các làn điệu dân ca Jrai để không bị mai một hơn lúc nào hết cần có sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng. Bởi lẽ hiện nay số người biết hát thể loại này đã bước vào thời kỳ sức khỏe già yếu. Cần có một chính sách khuyến khích giới trẻ là người đồng bào dân tộc Jrai tham gia học tập bộ môn này. Qua đó góp phần làm phong phú kho tàn âm nhạc truyền thống của dân tộc.
 
 Bài, ảnh: HUY HOÀNG
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang