Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chư Sê, là người con của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, đối mặt với cái đói, cái nghèo nhưng không làm nhụt chí, từng bước vươn lên trong nghèo khó, đi đầu trong Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, đó là ông Rơ Lan Giai, Già làng Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê, Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Già làng Rơ Lan Giai
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chư Sê, là người con của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, đối mặt với cái đói, cái nghèo nhưng không làm nhụt chí, từng bước vươn lên trong nghèo khó, đi đầu trong Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, đó là ông Rơ Lan Giai, Già làng Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê, Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Bước vào tuổi 63 nhưng ông còn minh mẫn, khỏe mạnh, ông tâm sự “Trước đây gia đình mình cũng khó khăn lắm, làm ăn, sinh sống dựa vào cây lúa, cây mì, những năm gần đây nhờ có Đảng, có Nhà nước, có các cán bộ về hướng dẫn, giúp đỡ mình và bà con trong làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, bây giờ cuộc sống của mình khá hơn rồi, nhà mình có tivi, có xe máy, xe công nông, con cháu mình được đi học đàng hoàng”. Những năm trước, vợ chồng ông vất vả quanh năm, nhìn con cái thiếu ăn, thiếu mặc, lòng ông xót xa lắm, quyết tâm muốn vươn lên cho cuộc sống đỡ vất vả, cho con cái được ăn no, mặc ấm, được đi học. Đến năm 2011, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai, ông đăng ký đi tập huấn, tham dự các cuộc tuyên truyền về cuộc vận động, ông nhận thấy lâu nay mình và bà con chỉ quen cách làm cũ, sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp và lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên như đất đai, thời tiết, chưa biết điều phối nhân công thích hợp, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, thu nhập thấp, chỉ có mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi cây trồng phù hợp với đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, nguồn thu nhập tăng thì mới cải thiện được cuộc sống.
Từ chỗ chỉ làm lúa rẫy, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây cà phê kết hợp nuôi gà thả vườn. Những năm đầu mới trồng cà phê, do chưa nắm vững khoa học kỹ thuật nên cây cà phê bị sâu bệnh nhiều, bị chết, không nản lòng ông tiếp tục vay vốn trồng lại đồng thời đi học hỏi kinh nghiệm ở những hộ hộ trồng cà phê đẹp và tốt; đến nay gia đình ông đã trả hết nợ, sau khi trừ đi các chi phí, gia đình ông thu được gần một trăm triệu đồng. Hiện tại gia đình ông Giai là một trong những hộ có mức thu nhập khá ở làng TốtBiơch.
Không chỉ tập trung làm kinh tế, ông luôn phát huy vai trò của một già làng, sẵn sàng động viên hướng dẫn bà con trong làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gia đình nào cần vốn ông cho mượn hoặc hướng dẫn để được vay vốn ngân hàng chính sách, đồng thời động viên thanh niên trong làng đi học văn hóa, học thêm các ngành nghề như sửa xe máy, sửa chữa nông cơ, thợ may, thợ trang điểm…. Đồng thời, ông tuyên truyền bà con không nên ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, phải biết tự chủ động vươn lên, phải bỏ đi những phong tục tập quán lạc hậu như chôn chung, lãng phí trong việc tổ chức cưới, việc tang, mỗi khi gia đình nào có đám chết thì phải chôn trong 3 ngày không để lâu kéo dài, gây ô nhiêm môi trường, tốn kém tiền bạc… ông nói “Mình có đi đầu, làm gương thì mọi người mới noi theo”.
Trao đổi với ông về việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng cho bà con, ông cho biết, khi có công văn về ông đều tổ chức họp dân, định kỳ 1 tháng một lần ông cùng với hệ thống chính trị làng họp và tuyên truyền các chủ trương chính sách cho bà con trong làng. Làng Tốt Biơch hiện nay có 171 hộ, 934 khẩu, 01 hộ theo công giáo, 54 hộ theo đạo Tin lành Miền nam Việt Nam với 184 khẩu, trước đây hộ nghèo còn nhiều, nhờ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiện nay hộ nghèo trong làng đã giảm chỉ còn 07 hộ, hộ cận nghèo còn 25 hộ, không có hộ khó khăn về nhà ở. Trong thời gian tới ông sẽ cùng hệ thống chính trị trong làng tiếp tục động viên, giúp đỡ cho 25 hộ cận nghèo và 07 hộ nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thay đổi cây trồng, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Rơ Lan Giai chính là một tấm gương điển hình trong cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Chư Sê
Kiều Hưng