CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > Hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và cả năm

Hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và cả năm 2024

04/12/2023

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện tượng El Nino có khả năng phát triển và duy trì trong thời gian tới. Dưới tác động của hiện tượng El Nino, khả năng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như khô hạn, mưa trái vụ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện cho một số đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại cây trồng trên diện rộng.
Nhằm chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây trồng do các đối tượng dịch hại gây ra trong vụ Đông xuân năm 2023 - 2024 và cả năm 2024; theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tại Văn bản 4438/SNNPTNT-BVTV ngày 10/11/2023 về hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và cả năm 2024 cần có các biện pháp phòng trừ các sinh vật gây hại như sau:
          Trên cây lúa
          Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại cây trồng (IPM, IPHM), quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)...trong sản xuất. Bón phân đúng thời kỳ, đầy đủ, cân đối N, P, K, không bón quá nhiều lượng phân đạm.
          Thường xuyên theo dõi diễn biến của một số đối tượng sâu bệnh có thể phát sinh gây hại mạnh theo các giai đoạn phát triển của cây lúa như: Chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ thường xuất hiện gây hại vào đầu vụ; rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt xuất hiện gây hại vào giữa vụ. 
          Đối với chuột, ốc bươu vàng: Sử dụng các biện pháp thủ công, đặt bẫy để thu bắt ngay từ đầu vụ. Khi mật độ ốc bươu vàng từ 3 con/m2  trở lên có thể diệt ốc bằng các chế phẩm có chứa hoạt chất như: Metaldehyde, Niclosamide, Saponin.... Đối với chuột có thể sử dụng bẫy trộn thuốc BVTV có hoạt chất như Warfarin, Bromadiolone, Coumatetralyl…. để diệt chuột vào giai đoạn làm đất, xuống giống và trong giai đoạn lúa đẻ nhánh.
          Đối với rầy nâu: Chủ động phòng trừ kịp thời ngay sau khi rầy cám nở rộ, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mật độ rầy nâu trên đồng ruộng từ 1.000 con/m2  trở lên, sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất như Buprofezin, Imidacloprid, Dimethoate + Isoprocarb…; trước khi phun thuốc, điều tiết mực nước trong ruộng khoảng 10 - 15 cm kết hợp rạch hàng theo băng rộng 1,5 - 2 m để tăng hiệu quả phòng trừ. Đối với bệnh đạo: Bệnh thường gây hại trên những ruộng lúa sạ dày, bón thừa phân đạm, cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời, khi tỷ lệ bệnh dưới 10%; xử lý bằng cách phun thuốc chứa hoạt chất như Albendazole, Azoxystrobin, Ferimzone... chú ý phun kỹ mặt dưới của lá để nâng cao hiệu quả phòng trừ.
Chú ý: Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn lúa dưới 40 ngày tuổi, chỉ sử dụng thuốc khi sâu, bệnh ở mật độ, tỷ lệ cao đến ngưỡng cần phòng trừ và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả phòng trừ.
          Trên cây ngô
          Tập trung chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô. Khuyến cáo người sản xuất sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu (NK 7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 6919 S, 8629 S...) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.
          Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là giai đoạn ngô 3 - 6 lá. Dự tính, dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp khuyến cáo hỗ trợ người dân tổ chức phòng trừ có hiệu quả, sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất: Spinettoram, Indoxacarb, Lufenuron, Emamectin benzoate… để phòng trừ


Sâu keo mùa thu hại ngô
Trên cây sắn
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn; tăng cường công tác tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng trừ bệnh do cơ quan chuyên môn hướng dẫn (Văn bản số 1605/BVTV-TV ngày 21/7/2017 của Cục Bảo vệ thực vật về ban hành Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn; Văn bản số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019 của Cục Trồng trọt về ban hành Quy trình canh tác sắn, Quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá và Quy trình tự sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá).
Khuyến cáo người dân sử dụng giống sắn có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh; không sử dụng giống HLS-11 để trồng, không mua bán, trao đổi giống không rõ nguồn gốc, giống chưa có chứng nhận của cơ quan chuyên môn.
Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, theo dõi thường xuyên diễn biến bệnh khảm lá virus hại sắn và môi giới truyền bệnh trên đồng ruộng, dự đoán chính xác thời điểm bệnh phát sinh để chủ động các biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi bệnh mới phát sinh ở giai đoạn cây sắn đang còn nhỏ tuổi (dưới 3 tháng tuổi). Khuyến cáo người dân bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây để hạn chế tác động của bệnh. Đối với những diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus gây hại nặng nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cây đậu đỗ, cây hàng năm khác ...ít nhất 01 năm để cắt đứt nguồn bệnh mới trồng sắn trở lại.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng sắn có hiệu quả; áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh và đưa nhanh các giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất.
Trên cây mía
Khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hoạch, làm giống, xử lý giống trước khi trồng mới. Khi thu hoạch nên chặt sát gốc, vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật tiêu hủy. Xử lý đất, giống khi trồng mới, tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, tuyệt đối không lấy giống mía ở những vùng bị nhiễm bệnh trắng lá mía để trồng.
Thường xuyên điều tra, kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác tình hình gây hại của bọ hung, xén tóc hại mía, phát hiện, xử lý ngay không để lây lan. Đối với bệnh trắng lá mía nếu phát hiện phải xử lý triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng, nhất là ở giai đoạn mía đẻ nhánh (1-3 tháng tuổi) để hạn chế tối đa, khống chế, không để phát sinh, lây lan thành dịch.
          Trên cây cà phê
Hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng vừa hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Bón phân đầy đủ cân đối, kịp thời để hạn chế sâu bệnh và rụng quả.
Đối với rệp sáp: Thường phát sinh gây hại vào các tháng 4,5 là thời điểm nắng nóng - khô hạn xen kẽ những đợt mưa đầu mùa. Do vậy cần chủ động phòng trừ sớm, kịp thời khi rệp tuổi nhỏ; những vườn rệp sáp xuất hiện với mật độ cao kết hợp tưới nước phá tan lớp sáp để khi phun thuốc dễ thấm sâu vào chùm quả. Khi mật độ rệp sáp thấp có thể sử dụng các loại thuốc sinh học như: Abamectin, Azadirachtin, Nấm tím (Paecilomyces), Nấm trắng (Beauveria), Nấm Xanh (Metarhizium), ...để phòng trừ. Ở những vườn có mật độ rệp sáp cao nên sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất như: Alpha-Cypermethrin, Dimethoate, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin,…để phòng trừ; các loại thuốc trên cần pha theo nồng độ hướng dẫn trên nhãn bao bì để phun, phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ vào những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại.
Đối với bệnh gỉ sắt: Thường phát sinh gây hại mạnh vào các tháng 12/2023, tháng 01/2024; tiến hành kiểm tra và phun cục bộ những cây bị nhiễm bằng các thuốc có hoạt chất như Hexaconazole, Difenoconazole + Propiconazole…để phòng trừ.
Đối bệnh rụng quả: Thường phát sinh và gây hại mạnh vào tháng 7,8; ngoài phòng trừ rệp sáp, rệp vảy, bón phân đầy đủ, kịp thời đúng lúc, cần bón bổ sung phân trung vi lượng và phun thuốc trừ nấm gây thối cuống, có thể sử dụng thuốc có hoạt chất như Metalaxyl, Mancozeb, Chlorothalonil …pha theo nồng độ khuyến cáo phun ướt đều cành quả lá cà phê.
Đối với những diện tích đất chuẩn bị trồng tái canh cần cày sâu phơi ải đất, thiết kế lô, xử lý hố trồng, chuẩn bị cây giống đảm bảo trước khi đi vào trồng mới. (Thực hiện theo Quy trình tái canh cà phê vối được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016).
Trên cây hồ tiêu
Khuyến cáo người dân trồng tiêu rong tỉa cây che bóng làm cho vườn tiêu thông thoáng, tăng độ chiếu sáng làm tăng khả năng quang hợp của cây, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh. Cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn tiêu thông thoáng hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng và phát sinh gây hại của sâu bệnh. Vun cao gốc tiêu để tránh ngập úng, những vườn có độ dốc thấp dưới 100, đất bằng phẳng phải thiết kế mương thoát nước trong mùa mưa. Bón phân cân đối, đầy đủ, giúp cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại.
Đối với vườn tiêu bị nhiễm bệnh: Khuyến cáo người dân xử lý thuốc kết hợp thuốc tuyến trùng + nấm bệnh, sau 15-20 ngày dùng thuốc kích thích ra rễ giúp cây phục hồi bộ rễ. Đối với tuyến trùng dùng thuốc có hoạt chất: Fluensulfone, Clinoptilolite. Đối với nấm bệnh dùng hoạt chất: Dimethomorph, Metallaxyl, Fosetylaluminium. Đối với các thuốc kích thích bộ rễ như: Ric 10WP, Super humic,... Các loại chế phẩm trên hòa tan trong nước, sục xung quanh gốc cách gốc 30-35 cm, sâu 35-40 cm, sục từ 8-12 lỗ với lượng nước thuốc 4-5lít/gốc. Nồng độ pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Trên cây điều: Điều tra, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại trong thời kỳ cây điều ra lá non, ra hoa và quả non như: bọ xít muỗi, sâu róm đỏ; hướng dẫn người dân sử dụng các thuốc có hoạt chất như Abamectin, Alpha-cypermethrin, Permethrin… để phòng trừ, chú ý phun ướt đều tán cây, nếu cây điều đang nở hoa không phun trước 9 giờ sáng để hoa điều thụ phấn.
Cây ăn quả
          Khuyến cáo, hướng dẫn người dân phát triển, sản xuất các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng, chanh leo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 208/UBND-NL ngày 31/01/2023 về việc phát triển bền vững sản xuất sầu riêng, chanh leo trên địa bàn tỉnh và Văn bản số 3171/SNNPTNT-TTBVTV ngày 10/8/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên một số cây trồng có tiềm năng xuất khẩu.
          Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng giống sạch bệnh, giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời; áp dụng quy trình chăm sóc, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại theo Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo VietGAP cho 10 loại cây ăn quả chủ lực được ban hành tại Văn bản số 70/TT-CCN ngày 18/01/2022 của Cục Trồng trọt. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh virus hại chanh leo.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang