Văn phòng Chính phủ đã thử nghiệm thành công giải pháp Trục liên thông kết nối hệ thống phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo điều hành từ Văn phòng Chính phủ đến hệ thống phần mềm quản lý văn bản của TP.HCM, Kiên Giang, Tây Ninh, Đà Nẵng, Gia Lai và một số tỉnh thành khác.
Ảnh minh họa
Dự kiến trong thời gian tới tất cả tỉnh thành khác trên cả nước sẽ được kết nối vào trục liên thông. Khi được kết nối, văn bản điện tử sẽ được liên thông trong hệ thống chính quyền bốn cấp từ Chính phủ đến UBND tỉnh, huyện, xã, qua đó Chính phủ sẽ giám sát được việc thực hiện các chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp phường, xã.
Ngoài việc tăng tính hiệu quả của quá trình xử lý công việc, giám sát chặt chẽ và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, việc kết nối sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn từ việc giảm tối đa chi phí xử lý văn bản cũng như các quyết định xử lý được đưa ra chính xác, kịp thời.
Giải pháp Trục liên thông cải tiến từ chuẩn kỹ thuật của Bộ TT-TT đáp ứng yêu cầu phục vụ kết nối liên thông các phần mềm theo những công nghệ khác nhau, do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phát triển, đã được triển khai thực hiện tại TP.HCM trước đó.
Theo đó, thực hiện việc triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin giữa Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã lựa chọn các đơn vị đã được đánh giá sử dụng tốt hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong thời gian qua để triển khai thí điểm kết nối, liên thông dữ liệu trong gia đoạn 1 với Văn phòng Chính phủ gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, UBND huyện Chư Sê, UBND thị trấn Chư Sê.
Thế Chiến