Trước thực trạng biến đổi khí hậu diễn ra càng ngày càng gay gắt và quy hoạch cây trồng, vật nuôi bị phá vỡ do người dân ồ ạt sản xuất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế nông hộ, kéo theo ảnh hưởng về kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự tại địa phương thì việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết.
Trong thời gian qua, Trạm khuyến nông huyện phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với từng vùng, tiểu vùng sản xuất, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất bền vững, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất. Vụ Đông xuân năm 2016 - 2017, từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông, Trạm đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi ruộng Đông xuân thiếu nước sang trồng bắp nếp. Với quy mô thực hiện: 02 sào/mô hình. Với tổng chi phí đầu vào cho 01 sào bắp nếp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, dầu tưới): 6.800.000đ, kết quả sau 60 - 65 ngày thu được: 10.500.000đ. Trừ chi phí lợi nhuận thu được: 3.700.000đ/sào. Ngoài ra thân cây sau khi thu bắp được tận dụng làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông hộ. Mô hình này sẽ được Trạm triển khai nhân rộng trong vụ Đông xuân năm 2017 – 2018.
Bên cạnh mô hình chuyển đổi ruộng Đông xuân thiếu nước, năm 2017 Trạm cũng đã xây dựng các mô hình: Trồng Na thái ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trồng Mít nghệ, trồng Bơ booth cải tạo vườn tạp, cánh đồng lúa liên kết, tái canh cây cà phê với mục đích đa dạng hóa các loại nông sản, giảm áp lực tiêu thụ đang đè nặng lên cây tiêu, mang lại nguồn thu nhập cao hơn từ trồng trọt. Giống được chọn để thực hiện mô hình là giống ghép, giống lai tạo đạt chuẩn và được trồng đúng kỹ thuật, đúng thời vụ nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Kpă Sức - Làng Tel Yố, xã Ia Hlốp tham gia mô hình cánh đồng lúa liên kết phấn khởi cho biết: "Mình có 1 sào đất ruộng, mọi năm mình để dành 30 kg lúa để sạ lại mà vẫn thấy nảy mầm thưa thớt, nay Nhà nước đầu tư cho giống lúa HT1, chỉ cần sạ 15 kg mà lúa nảy mầm đều khắp, mình thấy giống này tỷ lệ nảy mầm cao, tiết kiệm được lượng giống gieo sạ ban đầu, vụ tới mình sẽ hỏi để mua giống về sạ tiếp".
Bên cạnh trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được chú trọng chuyển đổi. Từ nguồn vốn Khoa học công nghệ, Trạm đã xây dựng đề án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong chăn nuôi vịt trời kết hợp cá lóc thương phẩm”. Mô hình này ở địa phương còn tương đối mới mẽ. Trạm đã chọn 09 hộ tham gia tại các xã Ia Hlốp, Dun, HBông, Ia Blang và thị trấn Chư Sê. Qua theo dõi bước đầu cho thấy mô hình mang lại kết quả khả quan. Ông Võ Tấn Thành - Thôn Mỹ Thạch 3 thị trấn Chư Sê cho biết "Việc nuôi cá lóc trong bể lót bạt không dễ, lúc đầu thấy rất bỡ ngỡ nhưng được cán bộ kỹ thuật Trạm hướng dẫn từ khâu đào ao, lót bạt, xử lý ngâm bạt, tắm cá, cho ăn… Bây giờ tôi đã tự tin để chăm sóc đàn cá, còn vịt trời sức đề kháng cao nên ít bị bệnh tật. Chi phí chăn nuôi cũng thấp".
Thời gian tới, trạm Khuyến nông sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế mang lại. Đồng thời tham mưu những mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chú trọng khảo nghiệm những giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là công tác tham mưu giống cây trồng để chuyển đổi trên những chân ruộng Đông Xuân có khả năng thiếu nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại nguồn thu nhập cho nông hộ và góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, bền vững.
Kiều Hưng