35 năm sau ngày thành lập, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, huyện Chư Sê đã vươn lên trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Một góc huyện Chư Sê hôm nay. Ảnh: Hồng Thi
Thành quả dựng xây
Năm 1981, huyện Chư Sê được thành lập trên cơ sở tách một phần đất phía Đông huyện Chư Prông và phần đất phía Tây Nam huyện Mang Yang, gồm 12 xã, 174 thôn, làng với dân số 54.500 người. Những năm đầu thành lập, huyện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, như: tốc độ phát triển kinh tế chậm và thiếu ổn định; nạn đói giáp hạt thường xuyên xảy ra trên diện rộng; tình hình an ninh chính trị phức tạp... Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Chư Sê đã vươn lên trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Tháng 8-2009, huyện Chư Sê được chia tách thành 2 huyện: Chư Sê và Chư Pưh. Sau chia tách, huyện có 15 đơn vị hành chính với diện tích tự nhiên gần 69.000 ha. Tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện giai đoạn 2006-2010 đạt trên 21,2%. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 804 tỷ đồng; tỷ trọng nông-lâm nghiệp chiếm 50%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28%, dịch vụ chiếm 22%; GDP bình quân đầu người đạt 15,3 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với năm 2005 và cao hơn bình quân chung của cả tỉnh); tổng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm đạt trên 148 tỷ đồng (chỉ đứng sau TP. Pleiku).
Huyện Chư Sê đã hình thành vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm chất lượng, có giá trị xuất khẩu cao và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, tiêu biểu là cây hồ tiêu (được chứng nhận thương hiệu vào năm 2007). Thời điểm ấy, huyện có trên 3.500 ha hồ tiêu kinh doanh với năng suất bình quân 6 tấn/ha/năm, chiếm 20% sản lượng hồ tiêu cả nước. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tìm ra quy trình chế biến tiêu đỏ. Sản phẩm hồ tiêu Chư Sê giai đoạn này đã được xuất khẩu sang 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu ngoại tệ hàng chục triệu USD.
Tiếp tục đổi mới, phát triển
Ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, sau một thời gian huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng đô thị và nông thôn mới theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng, đến cuối tháng 2-2015, huyện Chư Sê đã được công nhận là đô thị loại IV. Đây là tiền đề để xây dựng huyện trở thành thị xã vào năm 2017
Ảnh: Hồng Thi
Năm 2015, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục được duy trì ổn định và đạt được những thành tựu quan trọng. Theo đó, tổng giá trị sản xuất đạt 2.498 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su… tiếp tục phát triển nhanh về diện tích (cao su 7.762 ha, tiêu 3.487 ha, cà phê 8.092 ha) và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp; chăn nuôi phát triển theo hướng mở rộng các mô hình trang trại. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 131 tỷ đồng. Giáo dục-đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện thường xuyên gắn với triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được chú trọng (tỷ lệ hộ nghèo còn 8,09%, tương đương 2.129 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt 39,8 triệu đồng/năm. Hệ thống chính trị được củng cố, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được tăng cường. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững…
Trong năm 2015, huyện có 4/14 xã (gồm Ia Blang, Ia Glai, Ia Hlốp và Al Bá) đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, huyện sẽ phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn nữa. Huyện cũng sẽ rà soát, lập lại đề án xây dựng nông thôn mới để tới năm 2018 trở thành huyện nông thôn mới với từ 10 đến 11 xã đạt chuẩn.
“Thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong suốt 34 năm xây dựng và phát triển; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm xây dựng huyện Chư Sê trở thành thị xã vào năm 2017 và ngày càng giàu mạnh hơn”-ông Nguyễn Hồng Linh khẳng định.
Đỗ Hằng-Hồng Thi
(Báo Gia Lai Online)