CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Chính sách, ưu đãi, cơ hội đầu tư > PHÁT TRIỂN VẢI THIỀU TRÊN ĐẤT CHƯ SÊ – NHỮNG KỲ VỌNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

PHÁT TRIỂN VẢI THIỀU TRÊN ĐẤT CHƯ SÊ – NHỮNG KỲ VỌNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

08/10/2021

     Nói đến vải thiều, người dân thường nhớ đến thương hiệu vải thiều nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc, như vải thiều ở Lục Ngạn - Bắc Giang; Thanh Hà – Hải Dương hay Phù Cừ - Hưng Yên; đã tạo được nhiều uy tín, giá trị trên thị trường trong và ngoài nước; được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; cả trong những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…. Tuy nhiên, với khát vọng phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vải thiều đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương trên vùng đất Tây Nguyên, ở địa bàn tỉnh Gia Lai; trong đó có huyện Chư Sê đất đỏ bazan.
     Trong khi vải thiều ở các tỉnh phía Bắc còn xanh non thì các vườn vải thiều ở Chư Sê, Gia Lai đã vào mùa thu hoạch. Đất trời Gia Lai với thổ nhưỡng bazan và nắng gió ngập tràn đã khiến những giống vải quý phương Bắc du nhập vào đều trở thành vải chín sớm, hương vị lại đặc biệt thơm ngon, thỏa cơn thèm trái ngọt của thị trường vùng Tây Nguyên. Từ tháng tư, các nhà vườn đã bắt đầu thu hoạch vải thiều. Tùy kỹ năng chăm sóc, năng suất vải thiều từ trên 05 năm tuổi dao động từ 12-20 tấn/ha. Với giá thu mua từ 25-35 nghìn đồng/ký tùy thời điểm, đã mang lại thu nhập cao cho nhiều chủ vườn.
     Vào thăm vườn vải thiều của ông Đỗ Văn Thính, bà Nguyễn Thị Thán ở làng Queng Mép, xã Dun trong những ngày tháng tư sẽ bắt gặp không khí rộn ràng, tất bật bởi đang vụ thu hoạch. Chuyển đổi từ đất trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng vải, hiện nay gia đình ông có 400 cây vải đã cho thu hoạch mùa thứ 2trên diện tích 1,5 ha; được thương lái đến tận vườn thu mua với giá trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg. Giá bán tại vườn năm nay có thấp hơn so với các năm trước bởi ảnh hưởng của mùa dịch Covid -19; tuy nhiên cũng đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ôngso với trước đó, khi cây hồ tiêu bị dịch bệnh, chết và rớt giá sâu. So với trồng hoa màu, cây vải cho thu nhập cao hơn nhiều lần mà lại ít tốn nhiều công chăm sóc, nước tưới; một năm bỏ phân hai lần, ngoài ra bón thêm phân chuồng. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên vải sai, trái to mọng, ngọt, cùi dày; năm nay, vườn vải nhà ông cho sản lượng trong khoảng 10 tấn; sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng. Vải gia đình ông được khách hàng đánh giá có hình thức bắt mắt với quả to đều, ăn có vị ngọt thanh, thơm mát. Ưu điểm các giống vải này là chím sớm, vỏ mỏng, cơm dày, ăn có vị ngọt xen lẫn chua nhẹ, được thị trường ưa chuộng. Mô hình trồng vải thiều của gia đình ông Thính, bà Thán đã có nhiều người đến tham quan và học hỏi; bởi với người nông dân trên vùng đất vốn từng là thủ phủ của hồ tiêu như Chư Sê hiện nay thì việc trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả kinh tế đang rất được quan tâm sau những thiệt hại do tiêu chết và giá rơi xuống thấp.


Vườn vải ở Chư Sê trong mùa thu hoạch
     Gia đình anh Nguyễn Văn Vỹ ở thôn Vinh Hà, xã IaBlang cũng có niềm đam mê với cây vải thiều; cuối năm 2018, gia đình anh xuống giống trồng thử nghiệm 60 cây vải U Hồng trên diện tích 02 sào. Năm nay là năm bắt đầu cây cho thu bói; sản lượng anh thu được của 60 cây là 02 tạ. Tuy mới thu bói nhưng quả to tròn tươi đẹp, vị ngọt thanh, thoảng tí chua giòn thơm ngon, đều được thương lái thu mua; với giá bán trung bình 30.000 đồng/kí; năm thu đầu tiên cũng đem lại cho anh thu nhập vài triệu đồng chỉ trên 02 sào.
     Theo anh cho biết, trồng vải rất dễ, đầu tư không nhiều; quan trọng là nắm vững kỹ thuật xử lý ra hoa vào tháng 8, tháng 9 để cây vải cho thu hoạch sớm vào tháng 3 năm sau; chủ yếu bằng việc điều khiển sinh trưởng của vải qua biện pháp khoanh cành. Biện pháp này nhằm ngăn cản dòng nhựa luyện vận chuyển từ trên tán xuống rễ làm tăng tỷ lệ các bon/đạm (C/N) ở chồi ngọn tạo điều kiện cho cây phân hoá mầm hoa. Thấy mô hình trồng vải có thu nhập, chăm sóc cũng khá dễ không khó như cây tiêu, không tốn nhiều công như cây cà phê nên sau khi trồng thử nghiệm 60 cây vải; năm nay anh dự kiến sẽ tiếp tục trồng tiếp 100 cây vải. Ngoài làm nông nghiệp, anh Vỹ còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, đi thực địa nhiều, anh càng ấn tượng với vải cao nguyên, bởi cây này không lấn sân cà phê, hồ tiêu, không tranh đất của bơ hay sầu riêng, mà khiêm tốn nhận những phần cằn cỗi nhất. Những nơi lởm chởm đá mẹ đá con, cây bản địa cũng khó sinh trưởng, thì vải mọc ở đấy tốt tươi, thơm ngọt.
 

Vải thiều là giống cây ăn quả quý, quả chín ăn ngon, bổ,
đặc biệt là bổ não, có tác dụng chữa bệnh đường ruột
     Theo người dân, trồng vải ở Chư Sê có những điều khác hơn so với ở Bắc Giang. Năm nào thời tiết lạnh nhiều thì năm đó vải sẽ ra trái nhiều hơn, thời vụ lại chín sớm hơn vải Lục Ngạn nên rất dễ bán. Năm nay mặc dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thấp hơn năm trước nhưng bù lại năng suất cao hơn nên nhà vườn vẫn thu lãi khá. Năng suất cây vải phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nếu năm nào không đủ lạnh thì cây không phân hóa mầm hoa được nên không có trái. Do đó, người trồng phải nắm bắt kỹ thuật để có những tác động vào cây vải mới cho năng suất ổn định. Cũng theo kinh nghiệm của người dân, quả vải phát triển từ khi tắt hoa đến thu hoạch khoảng 60-75 ngày; nếu muốn hạn chế rụng sinh lý nhà vườn phải cung cấp đủ nước, đủ dinh dưỡng cho cây, cho quả. Bên cạnh đó, cần phòng trừ sâu bệnh kịp thời; cây vải chủ yếu mắc sâu bệnh hại như: sâu đo, sâu đục gân lá, nhện đỏ, bọ xít…; bệnh thán thư, bệnh sương mai, bệnh sùi mủ trên thân cành, bệnh héo rũ. Do đó để phòng trừ sâu bệnh hại, người dân cần thoát nước trong mùa mưa; khi trồng cũng như chăm sóc bồn luôn luôn phải cao hơn mặt vườn. Đặc biệt, cây vải có đặc tính ưa ẩm, nhưng không được để úng.
     Vải thiều là giống cây ăn quả quý, quả chín ăn ngon, bổ, đặc biệt là bổ não, có tác dụng chữa bệnh đường ruột. Trồng vải không chỉ cho quả mà còn là nguồn cung cấp nhiều mật tốt cho nghề nuôi ong và cho gỗ tốt. Vải khô, vải hộp là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Dẫu sản lượng vải ở các Chư Sê cũng như ở các tỉnh Tây Nguyên chẳng là gì so với ngành cà phê, hồ tiêu, còn khiêm tốn so với nhiều loại cây ăn trái khác, nhưng người trồng vải nơi đây đang nung nấu quyết tâm đưa trái vải ở cao nguyên vươn xa hơn nữa để chinh phục những thị trường khó tính, tạo thêm một thế mạnh cho kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Diện tích cây vải ở huyện chư Sê hiện nay vẫn chưa phát triển nhiều, nhưng từ các mô hình trồng vải của người dân cho thấy, đất đai, khí hậu Chư Sê cũng khá phù hợp với loại cây trồng này. Tuy nhiên, trong thời gian chờ các ngành chức năng đánh giá, quy hoạch; người dân cũng không nên ồ ạt mở rộng diện tích, chỉ trồng ở những nơi đất đai, khí hậu phù hợp. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây vải; đồng thời tuyên truyền nhân dân trong quá trình sản xuất thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng tiếp tục duy trì hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản trên địa bàn, như tổ chức phiên chợ nông sản an toàn; thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa hộ dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp để đưa quả vải nói riêng và các loại trái cây nói chung đến các thị trường mới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
     Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, người nông dân phải thay đổi cách làm tự phát và tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết là điều tất yếu. Việc thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ và nông nghiệp, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị sẽ giúp việc xuất khẩu nông sản được thuận lợi, dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành phần tham gia. Với mặt hàng trái cây ở Chư Sê nói chung và vải thiều nói riêng cũng không thể đi ngược xu thế chung này.
Lê Loan

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang