Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê hiện đang quản lý gần 8.500 ha rừng. Đây là diện tích rừng rất quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, là thượng nguồn của các công trình thủy lợi thuộc huyện Chư Sê. Hiện, Tây Nguyên hiện đang là cao điểm của mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa khô, Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; thành lập ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng 7 tổ đội tham gia phòng chống cháy rừng mùa khô với 123 thành viên; phối hợp với UBND các xã để triển khai các biên pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Đinh Mạnh Phong - Phó trưởng ban phụ trách, Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: “Chúng tôi tập trung nhiều vào công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về việc phòng chống cháy rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ, an toàn rừng cho người dân sống gần rừng; phối hợp tốt với hạt kiểm lâm cũng như UBND các xã có rừng đề đảm bảo phòng chống cháy rừng. Song song với đó là thực hiện các hạng mục phòng chống cháy rừng được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục kiểm lâm Tỉnh phê duyệt. Tổ chức, bố trí lực lượng trực phòng chống cháy rừng 24/24, đặc biệt là các tiểu khu dễ xảy ra cháy”.
Hướng dẫn kỹ thuật xử lý sự cố cháy, tránh lây lan ra diện rộng ảnh: Đặng Hùng
Xác định nguyên nhân dẫn đến cháy rừng chủ yếu do con người sử dụng lửa bất cẩn trong quá trình sản xuất, sinh hoạt. Vì vậy, Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy rừng cho cán bộ thuộc các Trạm quản lý bảo vệ rừng. Từ đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sinh sống, làm nương rẫy gần diện tích rừng về công tác phòng chống cháy rừng, xử lý sự cố cháy rừng được nhanh gọn, tránh để đám cháy lây lan ra diện rộng. Tại tiểu khu 1027, 1028 thuộc địa bàn xã BarMaih, huyện Chư Sê, Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê hiện quản lý hơn 84 héc ta cây Thông ba lá và 26 héc ta cây Sao đen. Đây là diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, chính vì vậy, công tác tuần tra, kiểm soát luôn được thực hiện thường xuyên, nghiêm ngặt; các kỹ thuật lâm sinh như đốt có điều khiển, đường băng cản lửa, giảm vật liệu cháy trong rừng.... đều được triển khai thực hiện.
Ông Trịnh Văn Lập - Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Ayun - BarMaih, huyện Chư Sê cho biết thêm: “Trong mùa khô, Trạm quản lý bảo vệ rừng chúng tôi luôn cắt cử anh em trực 24/24 để kiểm tra, giám sát công tác phòng chống cháy rừng. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân làm nương rẫy ven rừng phải đảm bảo an toàn. Cùng với đó, anh em trong trạm luôn tuần tra, xử lý kỹ thuật nghiệp vụ trong công tác phòng chống cháy, tuyệt đối không để cháy rừng lây lan”.
Hướng dẫn xử lý cháy và làm đường băng cản lửa ảnh: Đặng Hùng
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng cháy rừng và triển khai các biện pháp chuyên môn về công tác phòng chống cháy rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê còn xây dựng được 9 tổ quản lý bảo vệ rừng với 57 thành viên. Các thành viên trong tổ được nhận quản lý, bảo vệ hơn 1.400 hecta rừng. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng cũng như phòng chống cháy rừng vào mùa khô. Anh Đinh Lý – làng Phạm Kleo, xã BarMaih, huyện Chư Sê được giao quản lý, bảo vệ 46 hecta rừng. Hàng ngày, anh đều đi thăm, kiểm tra diện tích rừng mình được giao khoán. Những cây Sao đen 15 năm tuổi đang phát triển xanh tốt được anh chăm sóc, quản lý kỹ càng. Anh chia sẻ: “Tôi được nhận 46 hecta rừng để quản lý, chăm sóc. Vào mùa khô này, tôi thường đi thăm rừng, kiểm tra, chặt phát quang các cây khô, không để cháy xảy ra. Tôi còn tuyên truyền người thân, bà con trong làng không được phá rừng cũng như đốt rừng”.
Đinh Lý thăm rừng cây Sao đen ảnh: Đặng Hùng
Tình hình thời tiết nắng nóng, khô hanh ở Tây Nguyên dự báo sẽ còn kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm phòng chống cháy rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị đặc biệt là ý thức phòng chống cháy rừng của người dân để cùng nhau giữ rừng, phát triển rừng – lá phổi xanh của con người./.
Công Dũng.