CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > CHƯ SÊ – NHÌN LẠI NHỮNG KẾT QUẢ VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

CHƯ SÊ – NHÌN LẠI NHỮNG KẾT QUẢ VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

11/09/2018

Chư Sê là một huyện miền núi có 15 dân tộc thiểu số cùng sinh sống với 12.137 hộ; 56.981 khẩu (chiếm 45,47% dân số; chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar). Hiện tại huyện còn 03 xã thuộc khu vực III, 02 xã cùng 01 thị trấn thuộc khu vực I và 09 xã khu vực II với 20 làng ĐBKK.
Xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là nội dung quan trọng, có ý nghĩa trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; trong những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc được huyện triển khai sâu rộng đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp chặt chẽ với các phòng chức năng, hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể ở các xã, thôn làng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Để công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc có hiệu quả, huyện tập trung hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án đúng theo quy định của Nhà nước và có những đề xuất với các cấp, các ngành có liên quan để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng xã. Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của từng xã và nhu cầu của người dân, hàng năm huyện xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ. Quá trình tổ chức được thực hiện thật sự dân chủ, công khai. Những công việc người dân địa phương có thể đảm nhiệm được thì giao cho nhân dân tổ chức thực hiện để gắn quyền lợi và trách nhiệm với việc đầu tư và quản lý, khai thác; lựa chọn các đơn vị tư vấn có trình độ và trách nhiệm để đảm bảo sự chính xác từ khâu khảo sát đến thiết kế kỹ thuật và thẩm định dự án nhằm khắc phục sự chậm trễ trong thi công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình sau thi công. Huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu chính sách đã ban hành, phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung và xử lý nghiêm các tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện. Có thể kể ra một số chương trình, chính sách quan trọng đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn huyện trong những năm gần đây như:
Chương trình 135: Về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Tổng kinh phí đầu tư thực hiện các công trình từ năm 2008 - 2017 là 80.350.909.000 đồng, để xây dựng 105 công trình đường giao thông nông thôn, 10 công trình nước sinh hoạt, 44 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 07 công trình chuẩn hóa trường học  các công trình đường giao thông nông thôn, chuẩn hóa trường học, công trình nước sinh hoạt, nhà SHCĐ; đã giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS nâng cao đời sống. Về hỗ trợ phát triển sản xuất: Với hình thức chủ yếu là hỗ trợ người dân cây giống, con giống mới, phân bón các loại phù hợp với điều kiện của địa phương; với tổng nguồn vốn trên 14 tỷ đồng cho khoảng 35.000 nhân khẩu được thụ hưởng. Về đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở: Từ năm 2009 đến nay đã tổ chức 83 lớp tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn làng, cộng đồng với tổng kinh phí trên 2,266 tỷ đồng và tập huấn cho ban giám sát cộng đồng các xã, thôn làng đặc biệt khó khăn với tổng số người tham gia tập huấn trên 1.700 người tham dự. Qua công tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở nhằm tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp... cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, làng để họ tuyên truyền tổ chức thực hiện và vận động người dân cùng tham gia. Qua tham gia các lớp tập huấn, người dân hiểu biết các nội dung cơ bản của Chương trình, các chính sách đang áp dụng trên địa bàn, từ đó tích cực tham gia quản lý và giám sát quá trình tổ chức thực hiện. Thông qua đợt tập huấn còn lồng ghép tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ cơ sở hiểu thêm về sự quan tâm hỗ trợ cho vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội với mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng, đê đội ngũ này tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân để nhân dân tiếp cận được nguồn vốn của chính phủ, tránh tình trạng vay tín dụng đen vay nặng lãi.
Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, từ năm 2015 đến nay đã tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng được thị hưởng với số vốn gần 4 tỷ đồng, giúp cho bà con dân tộc thiểu số được hỗ trợ một phần đất sản xuất, sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh và vay vốn phát triển sản xuất.
Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: Việc quan tâm, chăm sóc những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện chú trọng, trong 04 năm gần đây huyện đã có trên 500 lượt người có uy tín được thực hiện đầy đủ chính sách với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Song song với thực hiện các nhiệm vụ trên, huyện quan tâm tới việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong 05 năm huyện đã cấp trên 120.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; cấp 1.860 tờ báo, tạp chí phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn làm thủ tục cho 170 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất… Qua đó, đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất; giúp các hộ nghèo có điều kiện mua sắm vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm sản... góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.
Có thể nói, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đúng hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã dần được nâng lên; diện mạo các xóm, làng trên địa bàn huyện có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững, lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và nâng cao; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
 Đỗ Thị Loan
Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện
 



Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang