CHUYÊN MỤC

Tin tức > Kinh tế - Văn hoá - Xã hội > Những kết quả đạt được của công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc

Những kết quả đạt được của công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2018 của huyện Chư Sê

07/01/2019

Về công tác thông tin đối ngoại: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành của UBND huyện, công tác thông tin đối ngoại của huyện có nhiều đổi mới, chất lượng ngày càng được nâng lên, được tổ chức thực hiện đồng bộ; phương thức hoạt động đổi mới, linh hoạt hơn; lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại được tăng cường và hoạt động hiệu quả hơn. Góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Chư Sê, Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, từng bước làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, củng cố và mở rộng quan hệ với khu vực trên thế giới, các nước và tổ chức quốc tế, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và khách du lịch nước ngoài… đóng góp vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.
            Trong năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện và địa phương đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình liên quan đến nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại địa phương, nhất là những chuyến thăm của đoàn cấp cao Việt Nam đến các nước do lãnh đạo Đảng, Nhà nước dẫn đầu, Tin lành Đega, FULRO lưu vong, các vấn đề chính sách  dân tộc, tôn giáo, nhân quyền..., tăng cường phối hợp và cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí theo đúng nguyên tắc của các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý thông tin đối ngoại. Chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan tuyên truyền của huyện tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động thông tin đối ngoại, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch. Đa dạng hóa lực lượng, hình thức thông tin ở các cấp, các ngành; xây dựng và triển khai các chương trình, chiến dịch quảng bá hình ảnh của huyện; chú trọng xây dựng thương hiệu như thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, biểu trưng (logo) của huyện, các giá trị văn hóa, nghệ thuật, du lịch .... Chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình thông tin, tuyên truyền đối ngoại của huyện, của tỉnh và của cả nước nói chung. Đồng thời chú trọng đổi mới về hình thức và phương pháp tuyên truyền ngày càng có chất lượng, xây dựng kế hoạch và đi vào chiều sâu cụ thể như: Ban Tuyên giáo Huyện ủy mở 19 lớp thông báo tình hình thời sự trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên huyện và cơ sở. Phòng Văn hóa - Thông tin cắt dán 1.735m băng rôn, 1.125 m2 Panô. Đài Truyền Thanh - Truyền hình huyện đã sản xuất 12 chương trình gửi tỉnh, 240 chương trình phát trên đài huyện, 112 chương trình gửi trang điện tử huyện, tiếp sóng của Đài Truyền hình Việt Nam 13.160h, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam 7.412h, phát tiếng Jrai trên đài huyện được 56h và trên Trang điện tử Uỷ ban nhân dân huyện. Các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì việc mua đặt báo Đảng (Tạp Chí Cộng Sản, tạp chí xây dựng Đảng), báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, Báo Gia Lai ... Công tác phát hành báo đáp ứng được nhu cầu đặt báo của các cơ quan, đơn vị và cơ sở, bảo đảm tính thời sự phục vụ bạn đọc về thông tin đối ngoại. Từ đầu năm đến nay Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã cung cấp 3.500 cuốn Bản tin nội bộ cho các tổ chức cơ sở Đảng, phục vụ công tác sinh hoạt chi bộ hàng tháng được đảng viên và quần chúng nhân dân đánh giá cao. Bưu điện huyện phát hành 32.412 tờ báo Nhân Dân, 78.132 tờ báo Gia Lai, 1.860 cuốn Tạp chí cộng sản, đã chủ động và kịp thời cung cấp những thông tin trung thực, khách quan về những vấn đề, vụ việc mà các thế lực cơ hội, thù địch thường xuyên tìm cách xuyên tạc như: Chính sách tôn giáo của Việt Nam, tình hình nhân quyền trong nước, tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, tình hình Biển Đông, quan hệ Việt - Trung, Nga, Mỹ, qua đó góp phần sớm định hướng dư luận, giảm thiểu tác hại của những thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, phản bác kịp thời thông tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc về việc bảo đảm quyền con người, quyền dân sự và chính trị, tự do tôn giáo, tự do báo chí ở Việt Nam, đăng tải nhiều thông tin về thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
 

Một buổi giảng Nghị quyết kết hợp thông tin về tình hình biển, đảo và phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2018 của đ/c Mai Văn Thiên, UVBTV-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.
 
* Về công tác tuyên truyền biển, đảo: Nhận thức được vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong thời gian qua Đảng bộ huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chủ đề biển, đảo. Cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền biển, đảo với hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo và chủ quyền biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
  Năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước về Biên giới, hải đảo nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng và nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân với việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển trong tình hình mới. Kết quả đã tổ chức được 113 cuộc có trên 14.000 lượt người tham gia.
 Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện thường xuyên tổ chức các lớp triển khai những kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền về Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982... cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền về việc tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên trên biển Đông (COC) khi được thông qua. Năm 2018 đã tổ chức được hơn 80 lớp cho 5.278 học viên tham gia. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đồng thời, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
* Về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới: Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Hướng dẫn số 67-HD/BTGTU ngày 26/3/2018 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “về công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền năm 2018”. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc, nhất là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, đoạn giữa hai tỉnh Gia Lai (Việt Nam) - Rattanakiri (Campuchia). Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết của công tác phân giới, cắm mốc; tầm quan trọng của việc quản lý, bảo đảm an ninh biên giới; chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của Việt Nam.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia: huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả phân định biên giới, công tác phân giới, cắm mốc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; các văn bản pháp luật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ, các hiệp định, hiệp ước được hai bên ký kết về việc giải quyết biên giới Việt Nam - Campuchia, về công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc theo quy định pháp luật của mỗi nước. Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, các hoạt động của bọn FULRO, “Tin lành Đê Ga” và các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng tốt đẹp, bền chặt. Gắn công tác tuyên truyền biên giới với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương; tập trung tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa… của cộng đồng dân cư hai bên biên giới nói chung, các cụm dân cư và đồn biên phòng giữa hai huyện: Gia Lai (Việt Nam) và Rattanakiri (Campuchia) nói riêng; chú trọng tuyên truyền tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới; tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ biên giới, lãnh thổ và phát triển kinh tế vùng biên.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào: Tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo, xây dựng hệ thống mốc quốc giới hiện đại đối với cả hai quốc gia Việt Nam và Lào; về ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng và quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển; các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, các văn bản pháp lý song phương về biên giới được hai bên ký kết, nhất là Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu khi có hiệu lực. Tuyên truyền phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam -Lào; khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, tình cảm gắn bó thủy chung giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào.  Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại về tình hữu nghị, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đến nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước của các thế lực thù địch.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới giữa hai nước và giá trị của việc xây dựng, quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; các văn bản pháp luật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ, các hiệp định, hiệp ước hai bên đã ký kết về công tác biên giới và yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý biên giới trong giai đoạn hiện nay. Tuyên truyền triển khai thực hiện 03 văn kiện quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định hợp tác và bảo vệ khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân đã ký kết tháng 11 tháng 2015, có hiệu lực từ tháng 01 năm 2016 và kết quả triển khai trên thực tế.
 Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại đến nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch trong vấn đề biên giới quốc gia, các vấn đề tranh chấp đang trong quá trình đàm phán và các hiệp định về biên giới nước ta ký với nước ngoài. Tiếp tục thông tin tuyên truyền củng cố lòng tin và xây dựng, bồi đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước.
* Một số phương hướng, nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới năm 2019:
 Năm 2019, dự báo tình hình kinh tế, an ninh - chính trị thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến tình hình trong nước, trong tỉnh và trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới để công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới trên địa bàn huyện tiếp tục nâng cao chất lượng cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về cả ba mặt công tác: thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới quốc gia. Tạo chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền theo hướng phù hợp với các đối tượng khác nhau, chú trọng các phương tiện truyền thông hiện đại. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng tuyên truyền.
Ba là, tăng cường tính kế hoạch, linh hoạt, gắn chặt với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bốn là, phát huy vai trò của lực lượng báo cáo viên cấp huyện và tuyên truyền viên ở cơ sở; tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, nhất là thông tin từ cơ sở.
Năm là, xây dựng quy chế cung cấp thông tin, định kỳ mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền miệng; tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt và báo cáo viên nghe thông báo tình hình thời sự về công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới của Đảng và Nhà nước, của địa phương; thông báo thời sự theo quý cho cán bộ, đảng viên, cung cấp có hệ thống các thông tin thời sự về những vấn đề nổi bật của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và tình hình trên địa bàn tỉnh, huyện đến với cán bộ, đảng viên.
Sáu là, chú trọng công tác đặt mua, phát hành báo, tạp chí tới các đơn vị, cơ sở, nhất là các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo thông tin tuyên truyền, tính thời sự, tính định hướng chỉ đạo Đảng và Nhà nước.
 Bảy là, tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, hiệu quả phối hợp các lực lượng trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhất là xung quanh vấn đề Biển Đông, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và đối với những vấn đề, vụ việc nhạy cảm, mới nảy sinh, thu hút sự chú ý của dư luận. Đa dạng hoá nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền. Nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của thông tin, các bài viết mang tính đấu tranh chống quan điểm sai trái.
Tám là, cập nhật thông tin, dự báo diễn biến tình hình thế giới và trong nước, tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới trên địa bàn huyện.
 Chín là, có biện pháp kiên quyết khắc phục tình trạng đăng tải, khai thác thông tin không chính thống, từ báo chí nước ngoài vào Việt Nam, những vấn đề trái với chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thông tin thiếu kiểm chứng, kích động dư luận làm ảnh hưởng đến công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới của Việt Nam.
                                                                      Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chư Sê
 
 
 
 
 

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang