CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > CẢNH BÁO RỆP SÁP GÂY HẠI CÀ PHÊ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

CẢNH BÁO RỆP SÁP GÂY HẠI CÀ PHÊ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

12/03/2024

Giá cà phê trong những ngày gần đây liên tục tăng. Hiện đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước. Người nông dân trồng cà phê rất phấn khởi và mong muốn giá thu mua sẽ được duy trì. Tuy nhiên người nông dân trồng cà phê muốn thu được lợi nhuận cao thì được giá phải kèm theo đạt cả về sản lượng.
Hiện nay, cây cà phê đang trong giai đoạn ra hoa - quả non, là giai đoạn rệp sáp thường xuất hiện, người nông dân trồng cà phê cần chú ý phòng trừ rệp sáp gây hại để giảm thiểu thiệt hại và đạt được năng suất cao nhất vào vụ thu sắp tới. Đối với cây cà phê, rệp sáp thường bám vào chồi non, cành lá, chùm quả, thân rễ để hút nhựa cây làm cho chồi non, cành lá bị khô héo, rụng bông, rụng quả non. Cây cà phê bị rệp sáp gây hại nặng thường xuất hiện lớp nấm muội đen bao phủ trên các chùm quả, cành mang quả và lá, làm giảm khả năng quang hợp của lá, lá úa vàng, quả khô dần rồi rụng nhiều. Rệp sáp gây hại làm tổn thương cuống quả tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây bệnh thối rụng quả hàng loạt. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài cây có thể khô héo, dẫn đến chết cây.


Hình: Rệp sáp gây hại trên cây cà phê
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên thì thời gian tới, thời tiết tại tỉnh Gia Lai nắng nóng kéo dài và có xuất hiện các đợt mưa trái mùa, biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch lớn, đây là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp hại cành, quả cà phê phát sinh gây hại trên diện rộng.
Để kịp thời phòng chống rệp sáp gây hại cà phê có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho người dân sản xuất cà phê, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành văn bản số: 194/CB-CCTTBVTV ngày 07/3/2024 về tình hình rệp sáp hại cà phê và biện pháp chỉ đạo phòng trừ trong thời gian tới, theo đó khuyến cáo người sản xuất thực hiện một số biện pháp phòng chống rệp sáp gây hại cà phê như sau: 
            - Vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh lây lan của rệp.
- Thăm vườn cà phê thường xuyên để phát hiện sự xuất hiện, mật độ của rệp sáp từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp. Đối với trường hợp rệp mới xuất hiện gây hại cục bộ cần đánh dấu phun những cây có rệp sáp xuất hiện, để tránh lãng phí thuốc, công lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với vườn cà phê có mật độ rệp sáp cao, tỷ lệ cây bị nhiễm rệp sáp trên 25% thì tiến hành phun toàn bộ diện tích vườn. Khi tưới nước có thể kết hợp dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh vào cành, chùm hoa, chùm quả có rệp sáp để làm rụng cánh hoa tàn, phá vở lớp sáp bảo vệ bên ngoài thì hiệu quả phòng trừ sẽ cao hơn, có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có các hoạt chất như:
+ Đối với vườn có mật độ rệp sáp thấp có thể sử dụng các loại thuốc sinh học như: Nhóm Abamectin, Azadirachtin, Nấm tím (Paecilomyces), Nấm trắng (Beauveria), Nấm Xanh (Metarhizium) ... để phòng trừ.
+ Đối với vườn có mật độ rệp sáp cao nên sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất sau: Alpha-Cypermethrin, Dimethoate, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin… các loại thuốc trên pha theo nồng độ hướng dẫn trên nhãn bao bì để phun, phun đủ lượng nước thuốc và phun  kỹ vào những cây, cành, chùm quả bị rệp gây hại.
Chú ý: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 04 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp). Do rệp sáp có tính kháng thuốc nên thay đổi hoạt chất phòng trừ sau mỗi đợt phun. Chỉ sử dụng thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Uyên Ny (TH)

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang