CHUYÊN MỤC

Thông tin tuyên truyền > Sản xuất, kinh doanh vụ mùa > Trồng cây sachi, hướng đi thử nghiệm của người nông dân Chư Sê

Trồng cây sachi, hướng đi thử nghiệm của người nông dân Chư Sê

06/09/2019

       Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Chư Sê, trước tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt, cà phê liên tục xuống giá, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê đã chuyển sang trồng thử nghiệm cây sachi. 

Cây sachi
 
 
          Cây sachi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Sacha Inchi hay còn có tên là Sacha đậu phộng, Inca Inchi, Penut inca… khi đưa giống cây này về Việt Nam để dễ nhớ và phù hợp với mục đích xuất khẩu sản phẩm ra thế giới nên cây được đặt tên là Sachi. Đây là loại cây trồng thu hoạch hạt, tại Việt Nam, sachi được quảng bá là “vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”, “dầu ăn tốt nhất thế giới”… Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi được cho là có 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…
          Cuối năm 2017, Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên (trụ sở tại tỉnh Kon Tum) triển khai mô hình khảo nghiệm trồng cây sachi trên địa bàn xã Ia Blang (huyện Chư Sê) với diện tích 03 ha, có 10 hộ dân tham gia. Công ty hỗ trợ 50% giá trị cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ tham gia mô hình. Các hộ dân tham gia đã tận dụng được những điều kiện sẵn có trên vườn hồ tiêu bị chết như trụ, công trình nước tưới… nên chi phí đầu tư ban đầu không cao. Cây sachi dễ thích nghi với môi trường, chịu hạn tốt, ít dịch bệnh, thời gian ra quả chỉ sau 6-8 tháng và cho thu hoạch quanh năm. Hiện diện tích sachi trồng trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch, đạt năng suất, bước đầu thấy phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Với giá bán dao động từ 50 ngàn đồng đến 140 ngàn đồng/kg, đến nay, hầu hết các hộ tham gia mô hình đã lấy lại được vốn đầu tư, một số hộ đã có lãi.
          Phòng Nông nghiệp huyện huyện cho biết ngoài các hộ tham gia mô hình, nhiều người dân trên địa bàn huyện cũng trồng sachi tự phát với diện tích khoảng 60 ha, tập trung ở thị trấn Chư Sê và các xã: Ia Blang, Ia Pal, Ia Hlốp, Al Bá… Trên thực tế, cây sachi vẫn đang trong quá trình trồng thử nghiệm. Do vậy, các ngành chức năng huyện đã khuyến cáo người dân không đổ xô trồng tràn lan mà nên cân nhắc, nếu ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì hãy trồng, tránh cung vượt cầu, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
          Ngày 14/01/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 204/QĐ-BNN-TT về việc công nhận đặc cách giống dược liệu mới Sacha Inchi S18 (Sachi), vùng sinh thái được công nhận đặc cách là các tỉnh phía Bắc. Theo quyết định này, khu vực Tây Nguyên không nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây Sachi, nên các sản phẩm Sachi đóng gói của các doanh nghiệp ở Tây Nguyên không làm được truy xuất nguồn gốc, nên việc người nông dân tự phát trồng loại cây này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
          Trong thời gian chờ nghiên cứu một cách hệ thống về cây trồng, chế biến và tiêu thụ Sachi ở Tây Nguyên, để mở ra hướng đi mới có triển vọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xây dựng vùng chuyên canh Sachi gắn với thị trường tiêu thụ, giúp cải thiện đời sống nông dân thì bà con nông dân nên thận trọng, không nên trồng thuần, đồng thời phải xem xét thật kỹ đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp mở rộng diện tích nhưng cuối cùng không có thị trường tiêu thụ.
                                                                                      Kiều Hưng

Other

Copyright © 2015 UBND huyện Chư Sê
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đức Cường -  Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Chư Sê
Địa chỉ: 761 Hùng Vương - Chư Sê
Điện thoại: (0269)3851781 - Fax: (0269)3851781 - Email:ubndchuse@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
  Chung nhan Tin Nhiem Mang